Tìm hiểu về giai đoạn lịch sử của người Ba Na trước thời Pháp

NDO -

Ngày 24-7 tới, tại Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace ), số 24 Tràng Tiền sẽ diễn ra cuộc tọa đàm về người Ba Na trước thời Pháp, do Viện Pháp và Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) phối hợp tổ chức.

Người Ba Na trình diễn tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TUYẾT LOAN
Người Ba Na trình diễn tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TUYẾT LOAN

Một số chuyên gia, nhà sử học như diễn giả GS. TS. Andrew Hardy - nhà sử học, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp; TS sử học Nguyễn Đặng Anh Minh tham gia buổi trò chuyện.
Vào năm 1850, những thừa sai người Pháp đầu tiên đã đến Tây Nguyên. Kể từ đó, cùng với việc cải đạo, lịch sử của người Ba Na đã thực sự biến đổi.

Trên cơ sở kết hợp, so sánh, đối chiếu nhiều nguồn tài liệu bao gồm kho tàng sử thi Ba Na và các tài liệu về người Ba Na được lưu trữ, một số khía cạnh về giai đoạn lịch sử của người Ba Na trước thời Pháp đã được làm rõ.

Dưới sự dẫn dắt của  GS. TS. Andrew Hardy, trong buổi thuyết trình này, TS. Nguyễn Đặng Anh Minh dựa vào những nguồn tài liệu đã được tiếp cận sẽ trình bày về giai đoạn trước khi người Pháp đến, một trong những giai đoạn nhiều biến động nhất trong lịch sử Ba Na được ghi dấu bởi các cuộc xung đột với người Gia Rai, các cuộc di cư đến những vùng đất mới và mối quan hệ với triều Nguyễn.

TS Nguyễn Đặng Anh Minh lý giải về việc người Ba Na cải đạo và cho thấy những dân tộc thiểu số, ngay cả những dân tộc không có chữ viết cũng sở hữu một lịch sử riêng. 

Người Ba Na là dân tộc bản địa Việt Nam có từ lâu đời tập trung ở các vùng Tây Nguyên điển hình là hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở các cao nguyên miền trung Việt Nam.