Tìm hiểu kiến trúc Nam Bộ thế kỷ 19, 20

NDO - “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ - Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền nam (từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20)” là công trình nghiên cứu, sưu tầm công phu của nhóm tác giả trẻ Tản Mạn Kiến Trúc, do Nhã Nam ấn hành, giới thiệu tới bạn đọc những di sản kiến trúc cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Tìm hiểu kiến trúc Nam Bộ thế kỷ 19, 20

Nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc gồm các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở các tỉnh Nam Bộ. Với họ, các di sản kiến trúc nơi đây đã trở nên quen thuộc và trở thành một phần trong tâm trí, tâm hồn. Dự án Tản mạn kiến trúc mà các bạn theo đuổi đã gặt được những kết quả đáng kể, phác họa nên bức tranh tổng quan về tiến trình vận động, những nét đặc trưng và sự phân bố của các công trình kiến trúc cổ khu vực miền nam.

Tản mạn kiến trúc Nam Bộ, trong nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về kiến trúc miền nam, thay vì đưa ra những kết luận đóng đinh và khô cứng, muốn truyền tải và gợi mở cảm hứng yêu mến, trân trọng của người trẻ hôm nay dành cho di sản kiến trúc.

Cuốn sách nghiên cứu các kiến trúc cổ Nam Bộ trong góc nhìn về cách ứng xử với thiên nhiên, nhấn mạnh đến ý hướng chủ động kiến tạo nên nơi chốn sinh sống của người miền nam, và từ đây hé mở cái nhìn về một vùng không gian kiến trúc vốn đã thấm đẫm những câu chuyện, những suy tư và ước mơ của con người ngay từ những buổi sơ khởi.

Ngoài ra, một nội dung được các tác giả dày công nghiên cứu là những ngôi nhà gỗ cổ, vốn được đánh giá là một loại hình kiến trúc đạt được mức độ hoàn thiện cao mà những chủ nhân miền nam đã sáng tạo và xây dựng nên. Là sản phẩm kết tinh những kỹ thuật và quan niệm xây dựng của người phương nam, ngôi nhà gỗ mang trong nó những đặc điểm quan trọng của kiến trúc và văn hóa nơi đây. Cuốn sách đưa ra một phát hiện thú vị về sự khác biệt giữa ngôi nhà gỗ truyền thống với nhà ở hiện đại ngày nay, như sự liên thông giữa các thành phần ngôi nhà, lấy ánh sáng tự nhiên từ mái…

Nhóm tác giả cũng đặc biệt chú ý đến trang trí trong nhà với những ô hộc, bao lam… được chạm trổ tỉ mỉ, cầu kỳ. Những nét trang trí, bày biện trong nhà với gian thờ tự trang nghiêm, bộ bàn ghế lịch sự hay những tấm ảnh, tấm hoành phi được treo ở một vài vị trí dễ thấy nhất… đều góp phần thể hiện một suy tư, quan niệm và ước mơ của gia chủ về đời sống.

Xu hướng tiếp nhận văn hóa phương Tây trong kiến trúc, cũng như lai ghép với kiến trúc bản địa cho phù hợp, sự phong phú và có tính biểu tượng của các họa tiết trang trí trong nhà cũng được nhóm tác giả nghiên cứu tỉ mỉ trong cuốn sách.

Nhóm tác giả cho biết, Tản Mạn Kiến Trúc được thành lập vào tháng 4/2019, là một dự án xuất phát từ mối quan tâm về di sản kiến trúc và văn hoá tại Việt Nam, đặc biệt khi đứng trước quá trình đô thị hóa và không thể nào tránh khỏi sự phá hủy các công trình di sản. Tản Mạn Kiến Trúc ra đời như một dự án nghiên cứu và truyền thông độc lập, để lưu trữ những tư liệu về các di sản đang dần biến mất và truyền thông các thành quả nghiên cứu đến với đông đảo độc giả.

Dựa trên tinh thần xuyên suốt là truyền cảm hứng đến người đọc, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2022, Tản Mạn Kiến Trúc đã thực hiện hàng trăm bài viết song ngữ Việt-Anh để giới thiệu thành quả nghiên cứu đến người đọc. Bên cạnh đó, Tản Mạn Kiến Trúc đã xây dựng các chương trình đi bộ tìm hiểu kiến trúc và các buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường đại học để tạo ra những đối thoại đa dạng quanh chủ đề di sản kiến trúc.