Tìm giải pháp tiếp cận tài chính cho ngành công nghiệp phụ trợ

Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, thành phố Đà Nẵng có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn lực tài chính cho ngành công nghiệp còn nhỏ bé và non trẻ của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Gia công vật liệu cơ khí cho ngành công nghiệp chế tạo tại Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng).
Gia công vật liệu cơ khí cho ngành công nghiệp chế tạo tại Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Đà Nẵng).

Trong sáu tháng đầu năm 2023, nhóm ngành công nghiệp của Đà Nẵng chiếm 14,2% trong cơ cấu kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,2% trong GRDP toàn ngành kinh tế Với vai trò hạt nhân, là động lực phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Đà Nẵng chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo, xây dựng môi trường kết nối giao thương trực tiếp, thúc đẩy liên kết, hợp tác, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ ở Đà Nẵng thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mới hình thành, nguồn lực hạn hẹp và khó tiếp cận với ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay vốn, triển khai đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, tìm kiếm đối tác, thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng chia sẻ:

Theo báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp ở Việt Nam công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, 82,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang phải tính đến việc giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong số doanh nghiệp còn lại, có đến 71,2% dự kiến giảm hơn 5% số lao động; 80,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu từ hơn 5% trở lên. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu hụt đơn hàng; tiếp cận vốn vay; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Bà Bùi Thị Hồng Lê, Giám đốc Thương mại Quỹ Olea-Singapore tại Việt Nam khẳng định: “Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đà Nẵng, chúng tôi (Quỹ Olea) sẽ cung cấp một hạn mức tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu phải đợi một thời gian khá lâu, khoảng 30 ngày, thậm chí hàng trăm ngày để nhận được thanh toán từ phía đối tác. Việc kéo dài thời gian này cũng làm tăng rủi ro trong giao dịch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Với gói hỗ trợ tài chính, sau khi thực hiện, Olea sẽ thu số tiền này từ phía đối tác nước ngoài mua sản phẩm. Nhờ gói hỗ trợ tài chính của Olea, các doanh nghiệp Đà Nẵng có thể quay vòng vốn nhanh hơn, giảm rủi ro trong giao dịch tài chính quốc tế”.

Nhấn mạnh vai trò của giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Lean Supply Chain cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia để tư vấn cho doanh nghiệp thuộc nhóm công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu... cách tiếp cận nguồn vốn và việc sử dụng các gói tài trợ sao cho hiệu quả, giải quyết đúng vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải khi có đơn hàng mới; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững. Nhóm chuyên gia cũng hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp với các nhà đầu tư phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tái đầu tư nhà máy theo mô hình hợp chuẩn và phát triển bền vững, đáp ứng thị trường toàn cầu; vì việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn là xu thế bắt buộc để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Bà Phan Thị Ngọc Yểm, Tổng Thư ký Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho rằng: “Để tham gia vào nhiều thị trường khác và thị trường cao cấp hơn, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần xây dựng mô hình nhà máy hợp chuẩn. Việc xây dựng mô hình nhà máy hợp chuẩn là một bài toán tài chính không đơn giản với doanh nghiệp.

Vì thế, chúng tôi thường xuyên cung cấp giải pháp và kết nối với các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ cao, làm tăng khả năng quay vòng vốn cho doanh nghiệp, giảm rủi ro trong giao dịch tài chính quốc tế; nhất là trong những giai đoạn lãi suất ngân hàng tăng cao, nhiều rào cản. Từ đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đà Nẵng cũng như miền trung tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, từng bước tiếp cận chuỗi giá trị quốc tế, đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Đà Nẵng, miền trung với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài”.

Bà Trần Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi thường xuyên kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn với các tổ chức tín dụng, các quỹ hỗ trợ, giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn hẹp tiếp cận được nguồn tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ... góp phần giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính ổn định để đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động”.