Tìm giải pháp thúc đẩy các ngành dịch vụ

Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Bến Thành là địa điểm được nhiều khách du lịch cả trong nước và nước ngoài lựa chọn để tham quan, mua sắm khi đến thành phố.
Chợ Bến Thành là địa điểm được nhiều khách du lịch cả trong nước và nước ngoài lựa chọn để tham quan, mua sắm khi đến thành phố.

Đây là hội thảo tham vấn ý kiến lần thứ nhất đối với đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” (gọi tắt là Đề án). Mục đích của hội thảo là tìm kiếm những ý kiến, đề xuất, định hướng phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện nội dung nghiên cứu Đề án.

Vai trò và tiềm năng đều lớn

Để hiện thực và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện và xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” ra đời nhằm giúp thành phố tiếp tục có các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển thành phố nói chung và các ngành dịch vụ ở thành phố nói riêng.

Đề án đã đưa ra định hướng phát triển đối với các ngành dịch vụ tại thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm chín ngành dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; thông tin và truyền thông; y tế; giáo dục và đào tạo; du lịch; logistics; văn hóa, thể thao.

Theo phân tích và đánh giá của các chuyên gia, thành phố có đầy đủ điều kiện cần và đủ để phát triển thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành dịch vụ là động lực tăng trưởng của thành phố, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GRDP của thành phố, từ 58% năm 2010 tăng lên 62,5% năm 2020 và đạt khoảng 64,3% vào năm 2023. Khu vực dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng bình quân của GRDP thành phố; riêng giai đoạn 2021-2023, khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân 4,76%/năm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, thành phố xác định dịch vụ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Trong năm 2023, riêng chín ngành dịch vụ chủ yếu đã đóng góp 59,6% GRDP của thành phố, chiếm 90% toàn khu vực dịch vụ.

Theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã là trung tâm về dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, đóng góp khoảng 30% về tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2011-2022.

Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của thành phố, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao, sẽ mang lại giá trị gia tăng, tạo động lực mạnh hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Sớm khắc phục các vướng mắc, hạn chế

Theo các chuyên gia, với vị trí chiến lược của mình, thành phố cần khẩn trương, tập trung đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn hơn nữa của cả nước và khu vực trong thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc chương trình Luật kinh tế (Trường đại học Hoa Sen) cho rằng: Thời gian qua, Nhà nước đã có những hoạt động cải cách mạnh mẽ về điều kiện kinh

doanh theo hướng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các quy định đầu tư, kinh doanh đối với lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố nói riêng vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vẫn còn bất hợp lý. Rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm gia tăng chi phí hoạt động và tiêu hao nguồn lực của doanh nghiệp ở lĩnh vực dịch vụ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực dịch vụ, thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh

nghiệp. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần. Thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh; khẩn trương cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ, công chức dám đột phá, không vụ lợi trong thi hành công vụ…

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: Đề án phải làm sao nâng tầm được các ngành dịch vụ theo từng giai đoạn, hướng đến tầm khu vực và quốc tế, nên có lộ trình cụ thể cho từng ngành.

Trong bối cảnh mới, chiến lược phát triển không dừng ở từng ngành riêng lẻ mà cần phải đặt trong mối tương quan, liên kết, tương hỗ, tất cả ngành dịch vụ đều phải đặt trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Vì vậy, thành phố phải đưa ngành công nghệ thông tin, viễn thông và đổi mới sáng tạo lên hàng đầu, có cơ chế đột phá hơn nhằm phát triển các ngành này để các ngành còn lại có thể nương theo đó mà phát triển thuận lợi hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thành phố (UEH) cho rằng: Cách tiếp cận của Đề án là duy trì và nâng cấp các ngành dịch vụ đang tồn tại. Cùng với đó, cần tìm ra những ngành dịch vụ mang tính đột phá, cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tính tiềm năng theo xu hướng của khu vực và thế giới. Từ đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư các nguồn lực để phát triển những ngành dịch vụ này.