Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và là một trong 30 quốc gia trên thế giới, là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đáng chú ý, Việt Nam đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải bảo đảm hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể...
Thế nhưng, công cuộc giảm nghèo của dân tộc ta, của nhân dân ta đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc giảm nghèo cho người dân thông qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh mới đã, đang và sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới. Nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Không e ngại trước những bước cản lớn đầy chông gai đó, Chính phủ vừa trình và được Quốc hội thông qua hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đây là những chủ trương quan trọng, có ý nghĩa rất lớn hướng về đồng bào nghèo trong hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều tác động tiêu cực.
Để các chủ trương nêu trên thật sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống của người nghèo, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm và đổi mới trong tư duy, phương thức giảm nghèo. Thực tế cho thấy, cần theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên.
Chúng ta cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, hỗ trợ người nghèo một khoản rồi không đồng hành sau đó, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ, so bì. Việc xây dựng các chính sách, hỗ trợ giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để người nghèo mong muốn, quyết tâm thoát nghèo.
Việc xác định các tiêu chí hộ nghèo trong giai đoạn mới phải thực chất hơn, trong đó, cần quan tâm đồng đều các hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo. Bởi vì khoảng cách giữa các nhóm đối tượng này không lớn, chỉ cần một tác động nhỏ từ xã hội, từ thiên tai, dịch bệnh có thể làm cho họ bị tái nghèo.
Cần rà soát thực tế để tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân, như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết trong công tác giảm nghèo bền vững.
Trong cùng một địa bàn nghèo, có những hộ dân không nghèo, thậm chí phát triển tốt sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Vì vậy, nên quan tâm hơn những hộ này theo hướng xây dựng, hỗ trợ thành mô hình, điển hình, hạt nhân động lực cho những hộ nghèo chung quanh vươn lên thoát nghèo.
Giúp người dân thoát nghèo là để mỗi người có cuộc sống, lao động ổn định ngay trên quê hương mình, vì vậy nên quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, vùng nghèo, như: khai thác những sản phẩm bản địa, cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối, giới thiệu việc làm cho những người nghèo ở vùng nghèo. Việc triển khai, áp dụng các chương trình mục tiêu quốc gia cần có trọng tâm, trọng điểm, liên kết với nhau để người nghèo có thêm các điều kiện, động lực thoát nghèo.
Một trong những vấn đề cần quan tâm là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua dù đã được triển khai nhưng chưa thật sự hiệu quả. Vẫn còn đó những vấn đề, hạn chế, bất cập phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm, nhất là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định sau quá trình đào tạo, gây ra không ít lãng phí.
Các địa phương, cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát, xem xét có hay không tình trạng chạy theo thành tích, tô hồng kết quả giảm nghèo hoặc trục lợi cá nhân từ chính sách giảm nghèo, làm ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến thành quả giảm nghèo bền vững. Nếu công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo không được quan tâm đúng mức, bị thờ ơ sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực, vi phạm mà không được phát hiện, xử lý kịp thời.