Mặc dù hiện nay không có đường thủy kết nối với bãi nổi (hay bãi giữa) sông Hồng, đường bộ từ cầu Long Biên xuống bãi rất hạn chế, mỗi bên cầu chỉ có một lối nhỏ đi xuống, nhưng do nhu cầu về không gian, nhu cầu vui chơi, khám phá, hằng ngày có hàng trăm lượt người xuống bãi giữa sông Hồng.
Bãi giữa sông Hồng hình thành từ nhiều thế kỷ nay. Trước kia, khi chưa có các công trình thủy điện lớn ở thượng lưu sông Hồng, sông Đà, diện tích bãi giữa thay đổi theo mùa. Vài chục năm trở lại đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn, mực nước không dâng cao, diện tích bãi giữa ổn định, thậm chí còn có xu hướng mở rộng.
Tổng diện tích bãi giữa theo hiện trạng năm 2023 là 307 ha, nằm trên địa bàn bốn quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên. Trong đó, phần lớn diện tích được người dân canh tác rau màu, nhưng theo hướng tự phát; một phần bị bỏ hoang.
Bãi giữa là nơi một số hộ gia đình từ các địa phương khác “nhảy dù” cư trú. Do giao thông không thuận lợi, việc quản lý khó khăn nên một số khu vực từng là “tụ điểm” của tệ nạn xã hội. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, bãi nổi sông Hồng là nơi thường xảy ra những vi phạm về trật tự xây dựng, người dân thường xây nhà bằng khung thép, lợp mái tôn.
Trong khi bãi giữa đang bị lãng phí không gian, cảnh quan thì khu vực nội thành Hà Nội lại quá chật chội, thiếu những không gian công cộng, không gian xanh. Điển hình như khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) chỉ rộng hơn 80 ha, nhưng là nơi sinh sống của 66 nghìn người. Mật độ dân số lên tới 823 người/ha.
Chưa kể đây là nơi các hoạt động thương mại, du lịch sầm uất, lượng khách vãng lai rất lớn, khiến không gian càng trở nên chật chội. Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã xây mới, cải tạo hệ thống công viên, vườn hoa, tạo thêm không gian xanh.
Tuy nhiên, đến nay thành phố mới có hơn 60 công viên, tổng diện tích khoảng 300 ha, đúng bằng diện tích của bãi nổi sông Hồng - một không gian xanh rộng lớn, nhưng người dân hầu như không thể tiếp cận được.
Việc cải tạo, khai thác bãi giữa để phục vụ cuộc sống người dân Thủ đô là nhu cầu bức thiết, cũng là chủ trương của thành phố. Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho biết: “Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đó, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng và bãi giữa sông Hồng. Vì vậy, việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, tạo không gian đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và triển lãm nghệ thuật của người dân”.
Việc cải tạo, khai thác bãi nổi sông Hồng là vấn đề thành phố Hà Nội quan tâm từ lâu và đang được cụ thể hóa từng bước. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận báo cáo của bốn quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ về việc lập chung một đề án nhằm phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành “Công viên văn hóa đa chức năng” (thời gian trình báo cáo là cuối năm 2022). Hiện bốn quận đang phối hợp thực hiện những đầu việc liên quan để từng bước triển khai quy hoạch, xây dựng cải tạo bãi nổi. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa còn nhiều vấn đề đặt ra.
Trong lịch sử, sông Hồng từng nhiều lần dâng lũ cao, gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Do đó, việc bảo đảm an toàn phải là yếu tố hàng đầu. Tiến sĩ khoa học Bạch Quốc Khang (Cố vấn Chương trình Khoa học-Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới) cho biết: “Yêu cầu đầu tiên của Đề án này là bảo đảm không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm.
Bãi giữa được xác định là không gian thoát lũ, chứa lũ không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, hoặc nghiên cứu xây dựng công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi mục tiêu, tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng. Hơn nữa, không gian chứa và thoát lũ của bãi giữa lại liên hoàn với quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới trên các bãi bồi hai bờ sông, có tác động tương hỗ đến dòng chảy và không gian an toàn lũ chung của đoạn sông.
Vì thế, việc quy hoạch cải tạo bãi giữa thành công viên không thể đứng riêng độc lập, tách khỏi hệ thống giải pháp an toàn phòng, chống thiên tai và tổng thể các hành động tạo lập trục không gian đặc biệt”.
Việc khai thác, sử dụng quỹ đất bãi nổi như thế nào cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm. Các chuyên gia đều thống nhất, cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên nơi đây, tuyệt đối tránh bê-tông hóa bãi nổi. Trên thực tế, khu vực bãi giữa sông Hồng đang là nơi cư trú của nhiều loài động vật.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: “Bãi giữa sông Hồng là “viên ngọc sinh thái” trong lòng Hà Nội. Lâu nay đã trở thành vườn chim lớn và độc đáo nhất Thủ đô. Nơi đây còn có di sản đô thị cầu Long Biên và hệ thống di sản hai bên sông. Do vậy, thành phố Hà Nội cần triển khai xây dựng bãi giữa sông Hồng theo nhiều mô hình công viên chuyên đề. Cụ thể, mô hình công viên du lịch sinh thái tập trung phát huy cảnh quan và môi trường sinh thái đặc hữu, phát triển hệ thống rừng cây bán ngập, vườn ươm sinh thái, vườn nghiên cứu, bãi cát, mặt nước và phục hồi hệ thống động thực vật bản địa. Mô hình công viên lịch sử văn hóa, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Công viên lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền, hình thành các tuyến không gian văn hóa kết nối di sản hai bên bờ và toàn tuyến hành lang xanh sông Hồng...”.
Nêu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã thành công trong cải tạo các bãi nổi trên sông thành công viên, nhiều chuyên gia cũng đề xuất phải có tiêu chí rõ ràng về diện tích, vật liệu xây dựng, các loại hình văn hóa, dịch vụ được phép hoạt động trên bãi giữa, trên cơ sở phải hài hòa cảnh quan thiên nhiên.
Đại diện chính quyền các đơn vị quản lý bãi nổi sông Hồng cũng đồng thuận với những đề xuất này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, đơn vị hiện quản lý hơn một nửa diện tích bãi giữa (180 ha) cho biết: “Quận Long Biên là một trong các bên tham gia triển khai xây dựng Đề án Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng. Việc triển khai quy hoạch, xây dựng còn tiếp tục phải xin ý kiến các bên. Nhưng chúng tôi xác định ba nguyên tắc thiết kế chủ đạo gồm: Hạn chế tối đa bê-tông hóa; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên; sử dụng vật liệu và kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, thân thiện môi trường. Trên cơ sở đó mới triển khai các phương án cụ thể về xây dựng, thu hút đầu tư, quản lý…”.
Dự kiến, để tạo cơ sở vững chắc cho việc cải tạo bãi nổi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, thành phố Hà Nội sẽ đề xuất một số chính sách đặc thù, đồng thời, tổ chức cuộc thi quốc tế về khai thác giá trị cảnh quan mặt nước, ven bờ sông Hồng và bãi nổi để từng bước hiện thực hóa việc khai thác giá trị của “lá phổi xanh” độc đáo giữa đô thị này.