Tìm giải pháp phát triển bền vững quế Việt Nam

NDO -

Với diện tích hơn 150.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa. (Ảnh: THANH TRÀ)
Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa. (Ảnh: THANH TRÀ)

Ngày 10/12 tại Hà Nội, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, trao đổi và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, đặc biệt là các giái pháp thúc đẩy việc kết nối và tham gia tích cực các tác nhân trong chuỗi ngành hàng.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba theo sản lượng trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Theo báo cáo của tổ chức FAO, tổng sản lượng quế của Việt Nam năm 2019 đạt 41.408 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8 - 12%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay. Thực trạng này có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển quế ồ ạt tại Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất thì cũng gia tăng các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, khó khăn trong việc đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra,... và có thể sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế và các doanh nghiệp liên quan đến chế biến và xuất khẩu quế ở Việt Nam.

Tìm giải pháp phát triển bền vững quế Việt Nam -0
Hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam” chiều 10/12. (Ảnh: THANH TRÀ) 

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, khẳng định: “Quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.

Ông Nghĩa cũng cho biết: Hội thảo này đã ghi nhận được quan điểm, và những đề xuất tâm huyết nhiều chiều từ đại diện cho các nhóm đối tượng khác nhau trong chuổi ngành hàng quế (từ cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức phát triển, các chuyên gia…). Các ý kiến sẽ được Tổng Cục Lâm nghiệp tổng hợp và tham mưu cho lãnh đạo Bộ để đưa ra các định hướng phát triển ngành hàng quế trong tương lai.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc của tổ chức IDH tại Việt Nam cho biết: Tổ chức IDH thời gian qua tích cực hợp tác và phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, các hiệp hội và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững các ngành nông nghiệp Việt Nam trong đó có chè, hồ tiêu, cà phê và thuỷ sản.

“Gần đây, một số hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tiếp cận và đề nghị IDH mở thêm một chương trình hỗ trợ về mặt hàng quế. Sau khi xem xét đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu thị trường thế giới, về tiềm năng của Việt Nam, những thách thức của ngành hàng, chúng tôi chính thức đưa quế vào là một chương trình hỗ trợ mới của IDH tại Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030. Hội thảo này đã giúp cho IDH xác định được những vấn đề ưu tiên cần hỗ trợ, góp phần phát triển bền vững ngành quế Việt Nam trong tương lai”, ông Dũng khẳng định.