Tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine

Sáng 23/2 (giờ Việt Nam), Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 họp phiên đặc biệt nhân dịp tròn một năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện Việt Nam phát biểu tại phiên họp Ðại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO)
Ðại diện Việt Nam phát biểu tại phiên họp Ðại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO)

Tại phiên họp, Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Ðại hội đồng khóa 77 Csaba Korosi nêu rõ: Cuộc xung đột tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng, kế sinh nhai của nhiều người và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt xung đột.

Nhấn mạnh xung đột làm tăng bất ổn khu vực và chia rẽ toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên hợp tác để tìm giải pháp hòa bình thực chất, lâu dài dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên ủng hộ sáng kiến của Liên hợp quốc dành gói hỗ trợ nhân đạo 5,6 tỷ USD giúp Ukraine.

Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang nêu bật quan điểm của Việt Nam về sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, bảo đảm những nhu cầu cấp bách của người dân chịu ảnh hưởng của chiến sự, bảo vệ và duy trì các cơ sở dân sự, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Phiên họp đặc biệt của Ðại hội đồng Liên hợp quốc kéo dài hai ngày, trong đó tiến hành thảo luận và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết "Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine".