Tìm cách lưu thông, tiêu thụ lúa hè thu

NDO -

Giá lúa hè thu 2021 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh, việc thu hoạch, vận chuyển lúa cũng gặp vô vàn khó khăn do các tỉnh, thành phía nam vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân. 

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp áp dụng máy cấy lúa trên đồng ruộng. (Ảnh: Hữu Nghĩa)
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp áp dụng máy cấy lúa trên đồng ruộng. (Ảnh: Hữu Nghĩa)

Sáng 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến với Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ…

Lúa hè thu khó tiêu thụ, xuống giống lúa thu đông chậm

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, vụ lúa hè thu 2021 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc xuống giống 1.509,6 nghìn ha/1.520 nghìn ha kế hoạch, đạt 99,32% kế hoạch và ít hơn cùng kỳ năm 2020 là 14.454 nghìn ha. Hiện nay diện tích lúa hè thu đã thu hoạch là 702.000 ha, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 gần 123,3.000 ha; Năng suất đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha; Sản lượng 4.059.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ 793.000 tấn. Riêng trong tháng 8/2021, ước thu hoạch 680.000 ha, lũy kế 1.382.000 ha; ước sản lượng trong tháng 8 đạt 3.808.000 tấn, sản lượng lũy kế 7.867.000 tấn.

Dự kiến, vụ hè thu sẽ kết thúc thu hoạch vào 15/9, với diện tích còn lại 128.000 ha, sản lượng trong tháng 9 ước đạt 651.000 tấn.

Đối với tiến độ sản xuất lúa thu đông tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện đã gieo sạ 365.239 ha, đạt 53,32% so với kế hoạch và ít hơn so với cùng kỳ năm trước 15.557 ha.

Diện tích lúa thu đông xuống giống chậm hơn cùng kỳ là do việc thu hoạch lúa hè thu cũng bị chậm.

Mặt khác, xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.

Giá lúa đồng loạt giảm

Theo Bộ Công thương, giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện đang trên đà giảm. Cụ thể, giống IR50404, giá bán khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg. Giống OM9577 và OM9582, giá bán hiện còn 4.600-4.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg. Giống OM6976 giá dao động từ 5.100-5.200 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 500-600 đồng/kg. Giống OM5451, giá 4.800-5.200 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 500-700 đồng/kg. Giống Đài thơm 8, giá từ 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 300-500 đồng/kg. Riêng giống nếp tươi Long An giá từ 4.400-4.750, thấp hơn cùng kỳ năm trước 550-800 đồng/kg.

Tại các tỉnh, thành phía nam khác, giá lúa cũng giảm mạnh. Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 2/8 đến ngày 6/8, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

Theo các địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình giá lúa giảm là do các tỉnh, thành phía nam hiện đang thực hiện giãn cách xã hội, việc di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngừng mua lúa. Đối với việc thu mua lúa gạo vụ hè thu 2021, sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên buộc phải dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến toàn chuỗi sản xuất và cung ứng.

Bên cạnh đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân cũng một phần do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp không giao hàng được mặc dù khách hàng quốc tế vẫn có nhu cầu. Hiện, hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có lực lượng bốc xếp giao lên tàu biển. Chính sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu cũng khiến tiến độ thu mua lúa của doanh nghiệp hạn chế hơn.

Trước tình hình đó, các kiến nghị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đều tập trung vào việc gỡ khó trong lưu thông cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu lúa gạo. Theo đó, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng. Đối với doanh nghiệp thì hỗ trợ thuế, các khoản phí trong thời gian dịch bệnh bởi hiện nay các chi phí như test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động “3 tại chỗ” đều do doanh nghiệp chịu toàn bộ.