Tiểu thương lên mạng bán hàng Tết

Lượng khách đến chợ truyền thống đang giảm do thói quen mua sắm của khách hàng đã khác trước. Trước tình hình đó, nhiều tiểu thương chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh tự tìm cách thay đổi, chuyển từ thụ động chờ người mua sang chủ động tìm kiếm khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00

Hơn hai tháng qua, cứ tầm 15 giờ mỗi ngày, chị Nguyễn Thái Trang (tiểu thương ngành hàng quần áo thời trang Thái Trang tại chợ An Đông, Quận 5) lại cùng nhân viên “lên sóng” giới thiệu trực tiếp những mẫu sản phẩm mới nhất đến khách hàng cả nước qua mạng xã hội.

Với dụng cụ đơn giản là bộ đèn hỗ trợ ánh sáng và chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, cô nhân viên mặc chiếc đầm trắng xoay nhẹ người để khách hàng nhìn thấy toàn bộ sản phẩm.

Chia sẻ niềm vui khi tìm ra cách bán hàng mới khá thành công, chị Thái Trang tâm sự: Từ đầu năm 2023, tình hình buôn bán ở chợ rất ế ẩm. Những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, túi xách… tuột dốc thê thảm, có giai đoạn giảm tới 70% so với năm 2022.

Trong “cái khó, ló cái khôn”, chị Trang thuê chụp ảnh sản phẩm với mẫu thật để gửi chào hàng nhưng chi phí chụp hình cao (300.000 đồng/tấm), trang phục do người mẫu mặc không có độ chân thật cao. Để tăng độ chân thật cho sản phẩm, giúp khách hàng dễ chọn mua hơn, nữ tiểu thương tự mày mò tập bán hàng trực tiếp qua mạng để giới thiệu sản phẩm và thấy khả quan.

Dù đã hơn 60 tuổi, bà Thanh Thảo (tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, chợ Bình Tây, Quận 6) vẫn học cách bán hàng trên mạng.

Không chỉ chụp ảnh, giới thiệu hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo..., bà Thảo còn nhờ con cháu quay những đoạn video ngắn, rồi tự lồng tiếng giới thiệu sản phẩm và đăng lên mạng. Nhờ đó, khách hàng ngồi tại chỗ vẫn có thể xem hàng và đặt mua, bà Thảo “chốt đơn” và chuyển đến tận nơi.

“Sau đại dịch Covid-19, nhiều bạn hàng lâu năm của tôi không còn kinh doanh nữa do người tiêu dùng có xu hướng mua hàng trên mạng. Lúc đó, tôi rất lo lắng. Khi thấy nhiều người bán hàng trên mạng, tôi cũng thử tập quay video giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm chọn mua, bí quyết bảo quản bánh kẹo dài ngày; tự dàn dựng những hoạt cảnh ngắn mang thông điệp tích cực kiểu “cây nhà lá vườn”... Lúc đầu, không nhiều người xem nên mình cũng nản. Sau vài tháng, bỗng nhiều khách hàng gọi điện hỏi sản phẩm đã xem trên trang cá nhân của tôi rồi đặt mua, đơn hàng khách sỉ và lẻ đều tăng vọt. Tôi mừng lắm!”, bà Thảo phấn khởi nói.

Hiện tại, tiểu thương tại các chợ khác như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Bình (quận Tân Bình)... cũng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok...

Bà Nguyễn Thị Dung (ngành hàng ăn uống chợ Tân Định, Quận 1) cho biết: “Chúng tôi tận dụng các lợi thế từ mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng. Chúng tôi còn có mã QR để khách thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ sao cho cảm thấy thoải mái và hài lòng nhất”.

Phó Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ: Để hỗ trợ các tiểu thương, Ban quản lý đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho thương nhân ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online, livestream bán hàng...; đồng thời, vận động các tiểu thương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Ban quản lý cũng chủ động liên hệ với các YouTuber có sẵn lượt theo dõi cao, để quay toàn cảnh của chợ nhằm giới thiệu đến khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi xem clip đó, họ đã đến chợ để tham quan mua sắm.

Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành Ngô Văn Hà cho biết: Sau khi tiểu thương chợ bán hàng phát sóng trực tiếp cùng các nhà sáng tạo nội dung, đã có nhiều tiểu thương tại những khu chợ khác ở thành phố tới liên hệ với Ban quản lý để học hỏi.

Chuyên gia kinh tế Lâm Minh Chánh đánh giá: Việc tiểu thương chợ Bến Thành vừa qua phối hợp với các TikToker livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm tại chợ là hướng đi tích cực, nhất là trong thời điểm sức mua èo uột như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh thực hiện hình thức bán hàng mới thì các chợ cũng nên cải tiến những yếu tố khác cho đồng bộ như minh bạch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không nói thách, an toàn vệ sinh... để tạo cho khách cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi mua sắm.