Ngày Thận học Thế giới: Hãy bảo vệ bộ máy lọc tự nhiên của cơ thể

NDO -

NDĐT - Được ví như một bộ máy lọc tự nhiên, thận đảm nhận chức năng loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi máu nhằm bảo đảm và duy trì mọi hoạt động cho cơ thể. Để có một bộ máy lọc luôn khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả chúng ta cần hiểu và có cách chăm sóc hợp lý, khoa học.

Khu chạy thận nhân tạo Bệnh viện E Hà Nội.
Khu chạy thận nhân tạo Bệnh viện E Hà Nội.

Năm 2005, Hội Thận học Quốc tế đã lấy ngày thứ năm trung tuần tháng ba hằng năm là ngày Thận học Thế giới (năm 2019 là ngày 14-3). Sáng kiến này đưa ra nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về tầm quan trọng của thận, tăng cường ý thức phòng ngừa, đồng thời nỗ lực tìm ra các giải pháp hiệu quả làm giảm thiểu tác động của bệnh đối với sức khỏe con người trên toàn thế giới. Ngày Thận học Thế giới năm nay có chủ đề “Thận khỏe cho mọi người, ở mọi nơi” như một mục tiêu, khát vọng của nhân loại đang hướng tới.

Những hệ lụy nặng nề từ suy thận mạn tính

Tuy không nằm trong nhóm bệnh lây nhiễm nhưng tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Hội Thận học Quốc tế, hiện trên thế giới có hơn 10% dân số (khoảng 2,6 triệu người) bị bệnh thận mạn tính và cứ 10 người thì có một người mắc bệnh. Dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Trong số các bệnh lý về thận thì bệnh thận mạn tính có tỷ lệ mắc cao, mức độ trầm trọng và gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho người bệnh và xã hội hơn cả. Khi mắc bệnh thận mạn tính có nghĩa là thận không thể lọc bỏ được các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây nguy hại cho người bệnh. Tuy độ nặng, nhẹ của mỗi người bệnh có khác nhau nhưng điều cơ bản và là thách thức với người bệnh hiện nay là bệnh này không thể chữa khỏi. Người mắc bệnh nếu muốn kéo dài sự sống cần phải chạy thận nhân tạo và chăm sóc suốt đời. Hầu như người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm vì không có điều kiện chữa trị bởi chi phí mỗi lần chạy thận nhân tạo khá cao từ 800 nghìn đến một triệu đồng/lần, mỗi tháng 2-3 lần. Hơn thế, sức khỏe của người mắc bệnh thận mạn tính bị suy giảm rất nhanh, không thể lao động nên chi phí này thực sự là gánh nặng cho người thân và gia đình.

Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, 8.000 ca mắc mới. Những năm gần đây, suy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, gút cũng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 5.000 người được điều trị và người nghèo có bảo hiểm y tế chỉ chiếm 10%. Có nhiều người dù được bảo hiểm chi trả nhưng vẫn không có điều kiện trang trải các chi phí nằm viện, mua thuốc, thuê nhà…Và cuộc chống chọi với bệnh tật để kéo dài sự sống dường như không muốn chấp nhận người nghèo.

TS, BS Nguyễn Vĩnh Hưng, Trưởng khoa Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E chia sẻ: “Người bị bệnh đã khổ rồi nhưng người nghèo mắc bệnh suy thận mạn tính ở Việt Nam thì khổ gấp trăm lần. Họ và người thân phải “kéo cày” quanh năm để chạy thận!”. Vì vậy mà bệnh nhân chạy thận được điều trị chỉ chiếm 10%, còn lại 90% chấp nhận cái chết do không có điều kiện.

Ngày Thận học Thế giới: Hãy bảo vệ bộ máy lọc tự nhiên của cơ thể ảnh 1

TS, BS Nguyễn Vĩnh Hưng, Trưởng khoa thận-tiết niệu Bệnh viện E, thăm khám cho bệnh nhân suy thận.

Nếu ai đã từng đến khu chạy thận nhân tạo của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E hay “xóm chạy thận” sẽ không tránh khỏi cảm giác ám ảnh bởi cuộc sống đầy âu lo nặng nề của những người bệnh suy thận. Ở đó, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn những gắng gượng sống từng ngày, nghị lực mưu sinh, chống chọi với bệnh tật và cả tình yêu, khao khát cuộc sống của những người bệnh phải chạy thận nhân tạo.

Mỗi người một gương mặt, một số phận nhưng họ đều có điểm chung là bị suy thận giai đoạn cuối. Nhiều người đã gắn bó với nơi đây hơn chục năm. Đối với họ bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân và máy móc, kim tiêm là cuộc sống. Nơi đây có nhiều người đã ra đi, có tình yêu đôi lứa nảy nở và có nhiều người vẫn đang từng ngày vừa vật lộn mưu sinh vừa chống chọi với đớn đau, bệnh tật để kéo dài sự sống.

Và nếu ai đã đọc “Khát vọng sống để yêu” của cô gái trẻ Nguyễn Hồng Kông, người có “thâm niên” hơn 10 năm phải gắn mình với máy chạy thận thì sẽ hiểu được nỗi khổ đau của người mắc bệnh suy thận, phải vật lộn mưu sinh ra sao và khát khao cuộc sống không có kim tiêm, dây dợ, máy móc như thế nào, sẽ hiểu được những góc khuất trong tâm hồn họ vào những ngày cuối cùng của cuộc đời họ. “Trong xóm chạy thận không có phép màu”, cô gái Nguyễn Hồng Kông đã nói vậy và cái chết là tất yếu. Mỗi người đón chờ cái “kết thúc” của mình theo những cách riêng: người khắc khoải, sợ hãi; người điềm nhiên chờ đợi; có người gắn những ngày cuối cùng của mình với máy móc; có người về quê như là cách đón chờ cái chết.

Xu hướng gia tăng và thủ phạm gây bệnh

Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp, tiểu đường typ 2 là nguyên nhân của 2/3 tổng số các ca suy thận, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng cảnh báo về mối liên quan giữa hai bệnh lý béo phì và thận. Béo phì có thể gây tổn hại đến chức năng thận trước khi tiểu đường và tăng huyết áp tác động tiêu cực lên thận và là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý về thận.

Hiện trên thế giới có khoảng 600 triệu người đang bị béo phì trong số đó có khoảng 220 triệu trẻ em. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh về thận chiếm khoảng 7% dân số và hầu hết đều rơi vào những người mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa là thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Điều này cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh thận sẽ không ngừng tăng và tăng cao ở nhóm những bệnh nhân này vào các năm tiếp theo bởi béo phì đã được xác định là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tình trạng nhiễm độc thuốc, trong đó có thói quen sử dụng thuốc tùy tiện, không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc đông dược trộn lẫn tân dược cũng là nguyên nhân gây suy thận. Bởi hầu hết các thuốc đều thải trừ qua thận.

Mối lo ngại về bệnh thận không chỉ bởi những hệ lụy của nó với sức khỏe con người, bởi tỷ lệ mắc không ngừng tăng mà còn bởi độ tuổi mắc bệnh hiện nay ngày càng trẻ hóa. Ở Pháp, năm 1996 tuổi trung bình phải lọc máu là 66 tuổi, còn ở nước ta hiện nay là 46-47 tuổi. Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ, là sinh viên chưa lập gia đình cũng phải phụ thuộc vào máy móc để duy trì và kéo dài sự sống.

Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Do vậy, những ai trong diện có nguy cơ bị bệnh cần thăm khám định kỳ thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.

Để phát hiện bệnh sớm nhất mọi người cần đi xét nghiệm máu định kỳ. Đồng thời trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu của bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân. Bản thân những người bị bệnh càng cần tìm hiểu để được tiếp cận thông tin về lọc máu, phương pháp điều trị để tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình chứ không chỉ dựa vào nhân viên y tế.

Được ví như một bộ máy lọc tự nhiên, thận đảm nhận chức năng loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi máu nhằm bảo đảm và duy trì mọi hoạt động cho cơ thể. Để có một bộ máy lọc luôn khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả chúng ta cần hiểu và có cách chăm sóc hợp lý, khoa học.

Chính bởi vai trò quan trọng của thận và những mối nguy bệnh này gây ra, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc trang bị kiến thức, tăng cường công tác dự phòng là rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ mắc cũng như kéo dài và tăng hiệu quả sự sống khi mắc phải. Mỗi người cần nâng cao ý thức kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống hợp lý, vận động hằng ngày để bảo vệ bộ máy lọc tự nhiên của cơ thể mình. Với người đang trong tình trạng thừa cân béo phì, cần cải thiện sức khỏe bằng cách giảm cân. Càng gần với cân nặng bình thường càng có lợi cho sức khỏe.