Tiêu chuẩn công chứng viên và quy trình trở thành công chứng viên

Người dân đi công chứng văn bản, giấy tờ. (Ảnh minh họa)
Người dân đi công chứng văn bản, giấy tờ. (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Luật Công chứng, thì người có đủ tiêu thuẩn theo quy định của Luật này, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Ðó là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng; có sức khỏe bảo đảm hành nghề công chứng thì được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên.

Thời gian đào tạo nghề công chứng và tập sự hành nghề công chứng được tính vào thời gian công tác pháp luật.

Một điểm mới của Luật Công chứng quy định về công chứng viên so với Nghị định số 75/2000/NÐ-CP là việc quy định công chứng viên là một chức danh tư pháp và người được bổ nhiệm giữ chức danh này thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao nhưng không nhất thiết phải là công chức.

Với mục tiêu phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp và thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công chứng, phát triển nghề công chứng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, Luật Công chứng trên cơ sở kế thừa Nghị định số 75/2000/NÐ-CP đã có những quy định tạo điều kiện để những người có đủ tiêu chuẩn và trình độ muốn hành nghề công chứng được chủ động hơn trong việc trở thành công chứng viên.

Một trong những tiêu chuẩn công chứng viên là phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng và đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng. Như vậy, người có bằng cử nhân luật muốn trở thành công chứng viên phải đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng với thời gian là sáu tháng.

Tuy nhiên, Luật Công chứng cũng quy định miễn đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng. Cụ thể là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; hoặc người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Người có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng thì được tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng là mười hai tháng, kể từ ngày tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng.

Người tập sự hành nghề công chứng phải đăng ký tại Sở Tư pháp nơi có tổ chức hành nghề công chứng mà mình tập sự. Người tập sự có thể tự liên hệ tập sự hành nghề công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng hoặc đề nghị Sở Tư pháp bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng.

Người tập sự hành nghề công chứng được thực hiện các công việc liên quan đến công chứng do công chứng viên hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn về những công việc đó; người tập sự không được ký văn bản công chứng.

Khi hết thời gian tập sự, người tập sự hành nghề công chứng phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn về năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức gửi Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Người được miễn đào tạo nghề công chứng nói ở trên thì được miễn tập sự hành nghề công chứng.

Người hoàn thành tập sự nghề công chứng có quyền đề nghị Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Sở Tư pháp ở địa phương nơi đăng ký tập sự.

Luật Công chứng cũng quy định rõ những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên; những trường hợp miễn nhiệm công chứng viên, tạm đình chỉ hành nghề công chứng viên. Theo đó, những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên gồm: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý; đã bị kết án về tội phạm do cố ý.

Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Cán bộ, công chức, viên chức bị buộc thôi việc. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của đoàn luật sư, bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

Công chứng viên có quyền được lựa chọn nơi để hành nghề công chứng, trừ công chứng viên của phòng công chứng; đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng; và một số quyền khác quy định tại luật này.

Công chứng viên có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng; tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng; giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.

Có thể bạn quan tâm