Phát biểu ý kiến tại họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 6 tháng qua, Bộ Nội vụ đã tập trung công tác xây dựng thể chế, chính sách. Trong đó, trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để phối hợp Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).
Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước. Phối hợp Ban Tổ chức Trung ương rà soát số liệu về biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời, tổng hợp ý kiến của bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế tại một số địa phương và ý kiến đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã rà soát, đánh giá nội dung quy định về số lượng cấp phó tại 5 nghị định và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đi đôi với rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tiến hành phân cấp triệt để công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đang tập trung hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài; chủ động xây dựng các nghị định, thông tư quy định thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhằm chuẩn bị một bước cho việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng; tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; trình Chính phủ xem xét ban hành 19 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 18 thông tư thuộc lĩnh vực nội vụ.
Cùng với đó, tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Tham mưu, phối hợp hiệu quả về đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; đổi mới phương thức nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp với quản lý và trả lương theo vị trí việc làm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”; “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trình Bộ Chính trị.
Một số nội dung quan trong cũng được Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ số, trong đó tập trung là chuyển đổi các thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện các phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ phát động; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về văn thư-lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tài liệu điện tử làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ nhằm phát huy tốt giá trị của tài liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.
Tại buổi họp báo, các đơn vị chức năng đã trả lời một số nội dung được phóng viên báo chí quan tâm.
Đáng chú ý, Vụ trưởng Tổ chức-Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam đã giải đáp nội dung chung quanh dự thảo Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải) thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc; nhất là mới đây, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định "không đồng ý tách Tổng cục" vì sẽ nảy sinh bất cập.
Đồng chí Vũ Hải Nam cho biết, đến nay, các bộ, ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian. Về bộ máy tổng cục, nơi nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các bộ, ngành đều đã xây dựng phương án. Sau đó, Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo cấp thẩm quyền. Hiện, Bộ Giao thông vận tải vẫn trong quá trình xây dựng phương án, chưa gửi Bộ Nội vụ để cho ý kiến.
Tuy nhiên, có 3 tiêu chí thành lập tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định số 101/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ. Đối chiếu với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương. Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có ý kiến băn khoăn liệu có chồng chéo hay không, nhưng xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn thì không có sự chồng chéo và tinh thần là phải sắp xếp lại, sau khi sắp xếp sẽ giảm rất nhiều các đầu mối bên trong.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc. Do đó, với những đơn vị không bảo đảm tiêu chí của tổng cục (trừ trường hợp đặc biệt) thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.