Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Chiều 14-11, tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội nghị.

Cụm các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) những năm gần đây có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sáu tỉnh trong cụm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ công chức; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số tỉnh có cách làm sáng tạo, linh hoạt. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện thường xuyên, trở thành nền nếp, qua đó phát hiện nhiều mô hình, điển hình tốt cũng như những cơ sở, đơn vị còn yếu kém.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công tác dân vận chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua chuyển biến ngày càng tốt. Nhiều vấn đề đã được bổ sung vào quá trình thực hiện Quy chế. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về dân chủ ở cơ sở đã được thể chế hóa trong nhiều luật, quy định, tạo điều kiện để người dân được tham gia vào quá trình quyết định chính sách. Đồng chí đề nghị thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tăng cường hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; tập trung giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tương tác, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân; chỉ đạo kiểm tra kịp thời, xử lý nghiêm các sự việc bức xúc nảy sinh trong đời sống xã hội. Các địa phương cũng cần quan tâm hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân; tăng cường công khai, minh bạch, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.