Hội nghị nghe các báo cáo viên đến từ Hội đồng Lý luận T.Ư; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Ngoại giao và Văn phòng Quốc hội, thông tin bốn chuyên đề: cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam sau 75 năm giành độc lập, đặc biệt là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; Chính sách đối ngoại của các nước lớn, tác động và chính sách của Việt Nam; những điểm mới và công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương truyền đạt đầy đủ, sâu sắc những nội dung của hội nghị tới cán bộ, đảng viên; đồng thời tập trung một số nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về kết quả Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, có nhiệm vụ đánh giá công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước…; kiện toàn một số chức danh chủ chốt Nhà nước và Quốc hội; quyết định một số quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về tình hình kinh tế, xã hội, công tác tuyên truyền tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp, chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Nổi bật là: (GDP) quý I-2021 ước tính tăng 4,48% so cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I-2020. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần sớm có giải pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021: Kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thật sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và chứa đựng nhiều rủi ro. Triển vọng gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và quá trình phục hồi các chuỗi cung ứng đối với Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro. Nhiều đối tượng khó tiếp cận các chính sách kích thích kinh tế, như các gói hỗ trợ bị tác động bởi Covid-19, nguyên nhân chủ yếu vẫn là các vấn đề liên quan đến thủ tục. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể phải cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh…
Các cấp ủy đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; về sự kiện Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021; về tình hình Biển Đông thời gian gần đây và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng…