Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm y học

NDO -

Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Trường Đại học Y Hà Nội) ngày 29/3 tổ chức “Hội thảo tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm giai đoạn 2019-2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022” đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm y học.

Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm y học

Theo báo cáo, hiện nay ngành y tế đã, đang thực hiện tốt Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/2/2016 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt về việc tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quan trọng để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 2429/QĐ-BYT về Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; Quyết định số 3148/QĐ-BYT về Danh mục xét nghiệm để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức các Hội nghị tại miền bắc, miền nam triển khai phổ biến Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm, thực hiện liên thông công nhận kết quả cho toàn bộ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, y tế các ngành, bệnh viện hạng 1 và tương đương.

Ba Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm cũng được thành lập. Các Trung tâm đã tăng cường mở rộng triển khai nhiều chương trình ngoại kiểm, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc cho các phòng xét nghiệm khi tham gia ngoại kiểm; tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn về quản lý và bảo đảm chất lượng để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên các phòng xét nghiệm về tầm quan trọng của công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm, thực hiện tốt các nội dung yêu cầu của Bộ tiêu chí do bộ ban hành.

Các Trung tâm kiểm chuẩn triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm, thực hiện đánh giá thường xuyên và định kỳ đối với các cơ sở Y tế có phòng xét nghiệm, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xét nghiệm, từng bước hỗ trợ các phòng xét nghiệm chuẩn hóa công tác xét nghiệm thuộc khu vực được phân công và tham gia các đoàn của Bộ Y tế để kiểm tra kết quả tự đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm của các bệnh viện phục vụ cho việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm. Đến nay, số lượng phòng xét nghiệm, các đơn vị tham gia ngoại kiểm tăng lên theo thời gian về cả số lượng chương trình và số lượng thông số xét nghiệm của mỗi chương trình.

GS,TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong 10 năm gần đây, số các phòng xét nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tham gia ngoại kiểm đã tăng nhanh, từ số chỉ có 30-40 cơ sở tham gia, đến nay đã có hơn 800 cơ sở (tại các tỉnh từ Huế trở ra). Chất lượng xét nghiệm của các đơn vị đã tăng nhanh, từ chỗ chỉ dưới 50% các đơn vị đạt yêu cầu đến nay đã tăng lên 80%.

Nội kiểm và ngoại kiểm là yêu cầu bắt buộc để khẳng định chất lượng dịch vụ xét nghiệm; chất lượng xét nghiệm đạt chuẩn là cơ sở để các đơn vị khám chữa bệnh có thể công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, giảm chi phí xét nghiệm cho người bệnh.

Kết quả xét nghiệm có vai trò quan trọng, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán, đánh giá diễn biến bệnh, cũng như đưa ra chỉ định, phác đồ điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, để đạt được các mục tiêu của Quyết định 316/QĐ-TTg của Chính phủ về việc tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, chúng ta cần phải có các định hướng và giải pháp tốt trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị của Bộ Y tế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học, từ đó tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý và nâng cao chất lượng các xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần đầu tư hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học bằng các nguồn vốn và các hình thức đầu tư phù hợp, cụ thể như tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị của các Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm bảo đảm đủ năng lực đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ được giao (các Trung tâm đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế ISO 9001, ISO/IEC 17043…).

Mặt khác hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, tự chủ công nghệ sản xuất được các mẫu ngoại kiểm đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng xét nghiệm và việc liên thông các kết quả xét nghiệm…

Về phía các Trung tâm Kiểm chuẩn, cần đề xuất, tham mưu với Bộ Y tế để cùng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học; tiếp tục mở rộng triển khai ngoại kiểm trong các lĩnh vực mới của hệ thống y học cận lâm sàng, bao gồm giải phẫu bệnh, sinh học phân tử, hỗ trợ sinh sản…; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về Quản lý và bảo đảm chất lượng xét nghiệm y học.

Ngoài ra các Trung tâm Kiểm chuẩn cần tăng cường hoạt động giám sát, hỗ trợ về bảo đảm chất lượng xét nghiệm y học cho các đơn vị, phòng xét nghiệm trên địa bàn được phân công phụ trách, phối hợp chặt chẽ với các Sở Y tế trong hoạt động hỗ trợ đào tạo nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho từng sở y tế hoặc theo một nhóm các sở y tế.

Về phía các sở y tế, cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm chuẩn, phòng xét nghiệm trên địa bàn quản lý để có đề xuất, thực hiện và chỉ đạo phù hợp về quản lý, bảo đảm chất lượng xét nghiệm y học. Cần chủ động đánh giá chất lượng xét nghiệm của các cơ sở trên địa bàn, từ đó nhận thức được các vấn đề cần khắc phục, cần hoàn thiện để từ đó nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng xét nghiệm cần tăng cường tham gia các chương trình ngoại kiểm thuộc các lĩnh vực xét nghiệm đầy đủ, đều đặn, đúng đắn; có các đề xuất cũng như tham gia các hoạt động đào tạo về quản lý chất lượng xét nghiệm, chuyên môn để tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng xét nghiệm, giảm chi phí, giảm phiền hà cho người dân, tiết kiệm nguồn lực xã hội.