Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại

NDO -

Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao và các cơ quan làm công tác đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đi trước mở đường giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Sáng 22/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, do Bộ Ngoại giao tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự hội nghị tại Hà Nội, có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến có các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.

Báo cáo về những kết quả và những dấu ấn nổi bật trong 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cách đây 2 năm trong bối cảnh thế giới và khu vực có những thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, có những diễn biến vượt ngoài dự báo thông thường.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại -0
Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc.

Với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Việt Nam đã tham gia Hội đồng Bảo an với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao, cân bằng, minh bạch, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của Hội đồng Bảo an.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, trọng công lý và lẽ phải, đổi mới, năng động, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn điểm lại các dấu ấn lớn của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua tại Hội đồng Bảo an. Theo Bộ trưởng Ngoại giao, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong điều hành, xử lý các công việc chung, Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia; thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất; thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an. Việt Nam cũng đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với những dấu ấn nói trên, nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một bước đi góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương Tổ công tác liên ngành với bộ phận thường trực là Bộ Ngoại giao; Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc với vai trò chủ công tuyến đầu cùng các cơ quan đại diện khác của Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) thể hiện vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của nước ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ; cho rằng, đây đều là những sáng kiến thiết thực, đúng và trúng quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là các vấn đề quan trọng đối với lợi ích của nước ta.

Trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen, Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao và các cơ quan làm công tác đối ngoại tiếp tục vai trò tiên phong, đi trước mở đường giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong tình hình mới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ chính trong công tác đối ngoại. Đó là, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương, tiếp tục xây dựng cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Các bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động xây dựng các kế hoạch để tăng cường sự tham gia của từng bộ, từng ngành vào các cơ chế đa phương.

Đồng thời, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình các quy tắc tại các diễn đàn đa phương phù hợp điều kiện cho phép thông qua việc đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khả năng Việt Nam tái ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 10-15 năm tới; ứng cử, đăng cai các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ các cơ chế đa phương quan trọng, nhất là Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN, các cơ chế tiểu vùng Mekong và đề xuất các sáng kiến, diễn đàn đa phương khác.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện thực chất là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế; tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, công nghệ với các nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cũng như giai đoạn ổn định sau đại dịch. 

Cùng với đó, chú trọng công tác cán bộ với tinh thần “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; phải có phương án tăng cường nhân lực, đào tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cụ thể, nhất là nhân lực lao động ở cấp quốc tế. Thủ tướng mong muốn, từng cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam, bản sắc “cây tre Việt Nam”, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.