Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương chủ trì hội thảo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố phía nam cùng dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc và nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Trong các nhiệm kỳ gần đây, cùng việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa; vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước; đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.
Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Quan hệ giữa chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội còn chồng chéo,...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận một số vấn đề, như: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; Đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng đối với tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và xã hội; Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; Tiếp tục đổi mới việc phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước; Đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu cũng tập trung vào một số vấn đề, như: Nâng cao chất lượng việc ban hành, thực hiện các chính sách, chủ trương của Nhà nước; Làm sao để tối ưu hóa được phương thức lãnh đạo của Đảng, trong từng giai đoạn có những đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Nâng cao năng lực thể chế hoàn thiện hệ thống pháp luật; Về đội ngũ cán bộ, Đảng cần tăng cường, bồi dưỡng, tạo điều kiện để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của Đảng, sự nghiệp phát triển đất nước; Đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính trong đảng, ứng dụng công nghệ…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, không tách rời trong hệ thống chính trị để vận hành hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng, điều hành của hệ thống chính trị. Đó là quá trình phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Mỗi giai đoạn có một thực tiễn khác nhau nên yêu cầu về đổi mới là vấn đề diễn ra liên tục, thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng gợi ý một số vấn đề để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, là: nâng cao năng lực dự báo và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực thể chế; về vấn đề tổ chức bộ máy, nhất là ở cơ quan Nhà nước; về việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách bằng quy trình, quy định chi tiết để tạo sự thống nhất trong hành động, thực thi. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn cũng cần luôn được thực hiện tốt để bảo đảm tốt các phương thức hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu các đại biểu tiếp tục đóng góp, trao đổi để tiếp tục hoàn thiện đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.