Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử phù hợp thực tiễn đặt ra

NDO -

Chiều 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị về công tác phối hợp giữa hai cơ quan.  

Hội nghị giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: DUY LINH).
Hội nghị giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: DUY LINH).

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hội nghị thống nhất đánh giá rất cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Những thành công rất tốt đẹp của cuộc bầu cử có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự cố gắng, nỗ lực của Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Bầu cử các cấp; trong đó, vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên sớm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn đặt ra. Quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhất là với đại biểu hoạt động chuyên trách, cũng như quy định chặt chẽ hơn tỷ lệ số dư bắt buộc tại các vòng hiệp thương, bảo đảm thực chất, tránh tính hình thức còn xảy ra ở một số nơi. Bổ sung đa dạng hơn nữa hình thức vận động bầu cử phù hợp thực tế và ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện tốt quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia; phối hợp thực hiện đầy đủ, đúng vai trò, quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Nghị quyết 161 Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Chương trình hành động này đang được triển khai thực hiện rất quyết liệt. Trong chương trình hành động có nhiều nội dung phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội một mặt được kế thừa những thành tựu đạt được của các khóa trước đây, mặt khác đứng trước nhiều áp lực phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.

Về Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần phối hợp rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện để phục vụ cho hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan trong nhiệm kỳ mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan phối hợp nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi các nghị quyết về tiếp xúc cử tri.

Đồng chí nêu rõ, chất lượng công tác tiếp xúc cử tri ngày càng được nâng lên, hình thức và phương pháp tiếp xúc cử tri rất phong phú. Tuy nhiên, công tác tiếp xúc cử tri cũng cần tiếp tục đổi mới hơn nữa. Thời gian tới, hai bên cần nghiên cứu tổng hợp ý kiến cử tri trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội  ngoài các “nguồn” tổng hợp như hiện nay...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội nghiên cứu, có cơ chế quy định một số nội dung về tiếp xúc cử tri. Hiện nay, một số địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri chung giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố, HĐND huyện với cử tri. Tại các cuộc tiếp xúc này, cử tri nêu những vấn đề dân sinh mang tính sự vụ, nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì vậy, đề nghị, các đại biểu Quốc hội nên có cuộc tiếp xúc cử tri riêng, nhất là tiếp xúc theo chuyên đề, để trong quá trình  xây dựng các dự án luật tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp phong phú, giá trị để nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành luật.

Về công tác giám sát, phản biện xã hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng chưa dành được sự quan tâm của cử tri, nhân dân và các tổ chức, cơ quan nhà nước vì chỉ giám sát chung, giám sát bằng văn bản, nghe báo cáo, tính “chiến đấu” chưa  cao. Do vậy, đồng chí kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tăng thêm nhiệm vụ giám sát vụ việc, theo đến cùng một số nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhất là ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu ra tại các cuộc họp, giải trình, thẩm tra...