Trong "Việt Nam yêu cầu ca" (1) , Người đã viết: "Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm đều phải có thần linh pháp quyền", như một sự ghi nhận tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Ðối với lực lượng công an nhân dân, trong suốt hơn 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát, phục vụ nhiệm vụ chính trị mà Ðảng, Nhà nước giao phó cùng với các biện pháp nghiệp vụ tinh thông, pháp luật và ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật luôn được lực lượng công an nhân dân sử dụng như một vũ khí ngày càng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống phản động, thực dân, đế quốc, các thế lực thù địch, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.
Sau gần 40 năm đổi mới, trong những thành tựu quan trọng đã đạt được của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng có sự hoàn thiện, không ngừng phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, trong đó có pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự (an ninh, trật tự), đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thời gian tới, quán triệt đường lối, chủ trương tại Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 08-NQ/ÐUCA ngày 1/8/2017 của Ðảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, để phát huy hiệu quả hơn nữa tính sắc bén và hữu hiệu của pháp luật trong công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân, một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây có vai trò rất quan trọng.
Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải gương mẫu đi đầu nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững để áp dụng và thi hành đúng, đồng thời luôn bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ hơn nữa giữa các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp.
Trên cơ sở dự báo tình hình, đánh giá tác động và thực tiễn áp dụng, thi hành pháp luật, trong tiến trình đổi mới, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần kịp thời tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Ðảng, nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, điều tra, xử lý tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; truy bắt các đối tượng phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài; tội phạm khủng bố, mua bán người..., góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng, Nhà nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc... Trọng tâm trước mắt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, xây dựng lực lượng công an nhân dân, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự tại một số địa bàn, lĩnh vực.
Công an các đơn vị, địa phương chủ động làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực cả trong tư duy và hành động, nâng cao năng lực chỉ đạo tổ chức xây dựng, áp dụng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Thông qua tuyên truyền để mỗi người dân ngày càng hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, có sự tin tưởng, thống nhất, đồng thuận và nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc áp dụng, thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Rà soát, sắp xếp, bố trí đủ đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm gắn với phương châm: "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, bảo đảm kinh phí, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác cho đội ngũ cán bộ làm công tác trực tiếp bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp đặc thù, tính chất công tác, chiến đấu và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật bảo vệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các đơn vị tham mưu, nghiệp vụ, các học viện, trường công an nhân dân tập trung nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, cải cách hành chính, tư pháp; tăng thời lượng học tập pháp luật bằng những hình thức phù hợp đối với học viên các học viện, trường công an nhân dân; sơ kết, tổng kết thực tiễn để cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
---------------------------
(1) Ðược dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị quốc tế vì hòa bình họp tại Véc-xây (Paris, Pháp).