Ðể pháp luật đi vào cuộc sống, gần gũi nhân dân

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Duy Linh
Ảnh: Duy Linh

Qua nhiều diễn đàn, hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia pháp luật luôn đề cao vai trò quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội, coi đây vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ðó cũng là vấn đề được cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Từ sự vào cuộc tích cực, chung sức, đồng lòng, với quyết tâm lớn, trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ, ngành với vai trò là cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều năm qua không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống thường xuyên được đề cập tại nghị trường, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, Quốc hội khóa XV tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Ðảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác xây dựng pháp luật đã nhấn mạnh việc bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng; hướng đến mục tiêu vì con người, vì nhân dân, nhân đạo, nhân văn; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, dân chủ, công bằng và trật tự, kỷ cương xã hội.

Xây dựng luật phải giúp tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khung khổ Hiến pháp và pháp luật; xác lập đầy đủ về phương diện luật pháp mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân; tăng cường phản biện xã hội và cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Kết quả lập pháp phải đột phá thật sự về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; kịp thời thích ứng những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế.

Ðịnh hướng tổng thể công tác lập pháp của Quốc hội là tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nội dung quan trọng được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội là công tác xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; trong đó, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, tránh xảy ra tình trạng "cài cắm" lợi ích cục bộ của bộ, ngành.

"Thước đo" với một luật, bộ luật mới hoặc được sửa đổi, bổ sung có thể được đánh giá không chỉ qua việc tăng hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, mà còn qua mức độ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ra sao; tuổi thọ, tính ổn định của luật/bộ luật như thế nào…

Năm nay là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật đã và đang trở thành đợt sinh hoạt pháp lý sâu rộng, tác động đến nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giúp đời sống pháp luật của người dân được cải thiện, thói quen pháp lý dần được hình thành.

Qua nhìn nhận những hạn chế, bài học kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật vừa qua, những vấn đề cần quan tâm sắp tới là: cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Ngày Pháp luật trong toàn xã hội; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật, gắn với từng đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hướng về cơ sở; tổ chức sự kiện ý nghĩa đó cần thường xuyên, liên tục và thực chất; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục khuyến khích đa dạng hóa mô hình tổ chức Ngày Pháp luật; xây dựng, nhân rộng mô hình hay, quan tâm công tác khen thưởng kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích, cách làm sáng tạo trong giáo dục phổ biến pháp luật, mang lại nhiều kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.