Tiếp tục đầu tư cho “tam nông”

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU, giai đoạn 2021-2025, về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, với đích đến cuối cùng và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00

Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành sáu nghị quyết hỗ trợ các cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với số tiền giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tam nông còn ít, chưa thực chất và hiệu quả chưa như mong muốn. Nguồn vốn hỗ trợ mới chỉ tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Trong khi những khó khăn đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường do biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh. Ngành nông nghiệp Thủ đô mặc dù có rất nhiều thuận lợi nhờ thị trường tiêu thụ lớn, sức mua cao, nhưng chưa tìm ra hướng phát triển đặc thù, có bản sắc riêng. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp không ít khó khăn dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra. Vấn đề tích tụ ruộng đất, kéo dài thời gian cho thuê đất để nông dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất còn nhiều vướng mắc; việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn...

Để nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành rà soát các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương và thành phố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn để các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ Hội Nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn,vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã; tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.