Tiếp tục đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, tín dụng đen

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 2023 Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ. Một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức; dâm ô với người dưới 16 tuổi; tình hình an toàn giao thông giảm cả ba tiêu chí: số vụ, người chết, bị thương.

Tuy nhiên, tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về: số vụ, số người chết, thiệt hại tài sản; trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh: cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng... Trong năm, xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị địa phương.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội trong những lĩnh vực: đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp... Nhất là, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao, cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của loại tội phạm này. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên.

Phân tích nguyên nhân khiến tình hình tội phạm gia tăng trong thời gian gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: xã hội bình thường trở lại sau dịch Covid-19 và tình hình khó khăn của người dân, nhất là người nghèo, công nhân, lao động. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm trên không gian mạng, nhất là lừa đảo đang khá phổ biến; mặc dù cơ quan chức năng, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: Tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng triệt để công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật; địa bàn hoạt động xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, lợi dụng tình hình công nhân, người dân có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị, các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt, ngăn chặn tín dụng đen; đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động tiếp cận thuận lợi các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng, tránh bẫy tín dụng đen.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, cùng với sự mở rộng của hệ thống phủ sóng internet và mạng xã hội, ở nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều đối tượng đã khai thác điểm yếu về dân trí, thiếu thông tin, sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện thủ đoạn lừa đảo: giả danh cơ quan pháp luật, cán bộ nhà nước, giả danh khách hàng mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo nâng cấp sim, hack tài khoản, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên qua mạng… đề nghị các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp khắc phục.

Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, báo cáo chưa làm rõ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể như tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm, hiệu quả công việc còn thấp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, khiến các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo cần chỉ rõ những giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục. Đồng chí đề nghị, các cơ quan hữu quan cần đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn để đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công vụ một cách đầy đủ, đúng pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Báo cáo giám sát do Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày cho thấy: Các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo chung cho ba chương trình, tuy được kiện toàn, song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét, nhất là trong việc tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện. Còn có sự trùng lặp về địa bàn thực hiện ở cả ba chương trình; nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; việc nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc cơ sở (nhất là cấp xã, huyện nghèo) chưa kịp thời; nhiều dự án, tiểu dự án chưa thực hiện hoặc chưa phát huy được hiệu quả; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập, mức sống của người dân chưa đạt như mong đợi...

Góp ý vào báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý đến sự hài hòa giữa những mặt đã làm được và những khó khăn, hạn chế của các chương trình. Báo cáo cần chỉ rõ những dự báo, mục tiêu nào có thể không đạt được; những bộ, ngành, địa phương nào làm tốt, để từ đó có mô hình chia sẻ cho các địa phương khác, đồng thời làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành, địa phương; đề xuất kiến nghị, cơ chế để ban chỉ đạo, bộ máy tổ chức điều hành từ Trung ương đến địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, giám sát chuyên đề của Quốc hội giúp Chính phủ nhận ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế để đạt được mục tiêu, ý nghĩa lớn lao của các chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Đồng chí đề nghị, Quốc hội tháo gỡ năm cơ chế đặc thù và hai kiến nghị mà Chính phủ đã trình. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo.