Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công

Những ngày tháng 7 này, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị quân đội tổ chức thực hiện đợt thi đua cao điểm "Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng", bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 75 năm qua, công tác chính sách và phong trào "đền ơn đáp nghĩa" luôn được các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn; thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, theo đó, từ năm 2014 đến nay, đã đề nghị Chính phủ ra quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 700 liệt sĩ; các cơ quan, đơn vị quân đội ra quyết định cấp giấy chứng nhận đối với gần 10 nghìn thương binh và 300 bệnh binh; quá trình giải quyết chế độ, chính sách đối với liệt sĩ, thương binh và người có công bảo đảm chặt chẽ, công khai, đúng đối tượng; góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công còn nhiều vướng mắc, bất cập: Do chiến tranh ác liệt kéo dài, các đơn vị thường xuyên cơ động chiến đấu; việc quản lý đối tượng các thời kỳ còn hạn chế; nhiều đơn vị sau chiến tranh sáp nhập hoặc giải thể; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, danh sách quân nhân, bị thương, hy sinh không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, còn để thất lạc; hầu hết đối tượng không còn giấy tờ hoặc giấy tờ bị rách nát; nhiều trường hợp không còn hồ sơ, giấy tờ; giấy tờ gốc trong hồ sơ có nhiều dạng khác nhau, khó xác định được tính chân thực; nhiều trường hợp cần phải qua giám định kỹ thuật hình sự hoặc xác minh ở nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan mới có căn cứ để xem xét, giải quyết… cho nên việc xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc lợi dụng chính sách để trục lợi, lập hồ sơ giả mạo, khai man diễn ra ở một số địa phương. Không ít đối tượng kê khai không đúng sự thật hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, tẩy xóa để lập lại hồ sơ. Nhiều trường hợp người làm chứng vì tình cảm cá nhân, hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật cho nên xác nhận thiếu trung thực, gây khó khăn cho công tác xét duyệt, thẩm định.

Chính sách ưu đãi người có công là chính sách lớn, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công, thời gian tới, quân đội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục phổ biến quán triệt sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Quân đội đối với người có công, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công.

Cần hoàn thành nghiên cứu, ban hành thông tư hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, đơn vị toàn quân triển khai tổ chức thực hiện kịp thời hiệu quả; chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, ngành lao động-thương binh và xã hội các địa phương kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh ở cơ sở; các chế độ, chính sách đối với các trường hợp hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách. Tiếp tục làm tốt việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ tồn đọng ở các cấp bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai; tăng cường kiểm tra, xác minh đối với những hồ sơ có nghi vấn; đẩy nhanh tiến độ giải quyết số hồ sơ liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng ở các cấp.

Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chu đáo, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công trong tình hình mới.