Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 11.993 tỷ đồng, bằng 51,7% so với dự toán. Thu nội địa ước đạt 456.095 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của ngân hàng nhà nước ước đạt 361.270 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán, bằng 113% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thu từ cả ba khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán.
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bốn tháng 2021 đạt 53.191 tỷ đồng, bằng 35,9% dự toán và tăng 3,3% cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán và tăng 9,3% cùng kỳ. Thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt khoảng 109.541 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán và tăng 37,2% cùng kỳ.
Theo đánh giá của ngành thuế, kết quả thu ngân sách đạt khá là do tình hình kinh tế quý 1-2021 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng thu 4,48% tương đương với quý 4-2020.
Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao trước dịp Tết Nguyên đán đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2021.
Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã triển khai cuối năm 2020 như Nghị quyết số 954/UBTVQH14 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm tiếp tục có hiệu lực, đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, để có được kết quả đó là do cơ quan thuế các cấp đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ những ngày đầu năm. Cục Thuế các địa phương cũng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thuế.
Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện được 13.333 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra được 140.610 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 111,4% so với cùng kỳ năm 2020, qua đó đã kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 9.768,72 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 2.196,6 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 331,07 tỷ đồng; giảm lỗ là 7.241,06 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.139,84 tỷ đồng.
Trong công tác thu hồi nợ đọng, cơ quan thuế các cấp thu nợ ước đạt 11.097 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 7.478 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.619 tỷ đồng.
Kết quả này đã đưa tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý (ước tính đến thời điểm ngày 30-4-2021) giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30-4-2021 giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong bốn tháng đầu năm, ngành thuế đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế.
Đặc biệt, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cơ quan thuế các cấp đã tập trung hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các dịch vụ thuế điện tử; đẩy mạnh việc tuyên truyền tháng cao điểm hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế.
Về một số giải pháp trọng tâm để bảo đảm nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế khẳng định, dù cho công tác thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm đạt khá so với dự toán và có tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước những ngày gần đây là những rủi ro lớn cho hoạt động kinh tế trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách nhà nước những tháng tiếp theo.
Không chỉ có vậy, việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ về việc thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và việc thực hiện Điều 6a Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn về trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách.
Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong đó trọng tâm là rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Ngành thuế sẽ tiếp tục xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc về việc khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội; thực hiện các biện pháp đôn đốc, thu nợ thuế bảo vệ môi trường đối với các đơn vị nợ đọng thuế bảo vệ môi trường.
Về công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các đơn vị thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, thực hiện kiểm tra theo chuyên đề đối với các giao dịch đáng ngờ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021, kịp thời hỗ trợ có hiệu quả những người nộp thuế thuộc đối tượng áp dụng của nghị định, góp phần đưa chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết trong tháng 5 và các tháng tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức điều hành ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự oán được duyệt và thực tế phát sinh.
Bộ sẽ tổ chức Hội thảo về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 và Hội thảo Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách trung ương để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan vào thời gian cần thiết.
Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước.