Hội nghị những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 quy tụ 100 đại biểu, bao gồm 50 đại biểu dưới 40 tuổi và 50 đại biểu từ 40 đến 50 tuổi. Cả đại biểu chính thức và đại biểu khách mời đều là những tác giả có tác phẩm được công chúng đón nhận, hoặc được giải thưởng ở các cuộc thi văn chương.
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, so với hội nghị những người viết trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh lần 4 (năm 2017), hội nghị lần này có lực lượng tác giả trẻ tham dự đông đảo hơn và nhiều dấu ấn.
Qua các giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều cuộc thi văn chương chuyên nghiệp, nhiều tên tuổi đã được khẳng định như Bùi Tiểu Quyên, Ngô Thúy Nga, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Vĩ Hạ, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Trần Khải Duy, Ngô Tú Ngân, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh…
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang trình bày tham luận tại hội nghị. |
“Và khác thế hệ đi trước, những tác giả trẻ hôm nay tự chọn con đường riêng để đột phá, có người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, có người đầu tư mảng truyện tranh, có người khai thác mảng khoa học viễn tưởng, có người sáng tác đề tài trinh thám phá án… Họ chủ động tạo dựng thế giới văn chương của họ, đầy hào hứng và đầy nhiệt huyết” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết thêm.
Tuy nhiên, hạn chế ở lực lượng tác giả trẻ hiện nay chính là sự thưa vắng của những cây bút ở lĩnh vực lý luận phê bình. Vài cây bút như Nguyễn Đình Minh Khuê hoặc Trương Mỹ Ngọc dường như vẫn chưa tương tác trực diện với nhịp điệu văn chương đang chuyển biến mau chóng của nhu cầu xã hội.
Nếu không hình thành những sinh hoạt học thuật thường xuyên và không có những diễn đàn tích cực, thì trong vòng một thập niên tới, đời sống văn học Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hụt hẫng vì khoảng trống lý luận phê bình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức, cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là bồi dưỡng và phát triển lực lượng viết trẻ.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố đặc biệt ưu ái tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban Nhà văn trẻ phát hiện và thu hút các cây bút trẻ, từ những chuyến đi thực tế, mở trại sáng tác đến hỗ trợ đầu tư tác phẩm. Bên cạnh, việc duy trì giải thưởng tác giả trẻ thường niên, Ban Nhà văn trẻ và các ban chuyên môn của hội luôn tích cực vận động kết nạp hội viên trẻ hằng năm.
Theo nhà văn Bích Ngân, khát vọng phương nam, chủ đề của Hội nghị những người viết trẻ lần này, là khát vọng đi tiếp con đường văn chương mà nhiều nhà văn thế hệ trước đã hy sinh tài năng, tuổi trẻ, tính mạng và cả những trang viết dở dang để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Khát vọng phương nam, cũng còn là khao khát những tác phẩm văn học phản ánh được hơi thở của thời đại.
Tại hội nghị, nhiều tác giả trẻ đã trình bày tham luận của mình như: Cao Việt Quỳnh (Trí tưởng tượng là thuộc tính tự nhiên của con người), Huỳnh Trọng Khang (Truyện ngắn ôm đóa cúc trắng), Lê Quang Trạng (Một ví dụ về văn học trẻ), Nguyễn Thị Kim Hòa (Hành trình không có đích đến),Võ Chí Nhất (Tác giả trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân)…
Ngoài ra, nhiều đại biểu, nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Xuân Phượng, Lưu Trọng Văn,… cũng có những lời chia sẻ, gửi gắm đến những người viết trẻ tại hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Đến dự hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định con đường văn chương thuộc về những người trẻ. Một nền văn học Việt Nam kiêu hãnh, đầy sáng tạo, kỳ diệu hay không là do những người viết trẻ hôm nay quyết định.
Hội nghị những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong 3 ngày (từ 11 đến 13/10).
Sau chương trình khai mạc, các đại biểu sẽ có chuyến đi về An Giang với các hoạt động như: dâng hương Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, giao lưu các tác giả trẻ Đồng bằng sông Cửu Long tại Trường đại học An Giang…