Tiếp sức giúp doanh nghiệp vượt khó

Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương được đánh giá như một “liều thuốc” có tác dụng khơi dậy tinh thần kinh doanh khi cộng đồng doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn chưa từng có. Quan trọng hơn, chính sách hỗ trợ càng sớm triển khai đến đối tượng thụ hưởng thì tác động đến lợi ích càng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao MXP, tỉnh Thái Bình. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao MXP, tỉnh Thái Bình. (Ảnh ĐĂNG DUY)

Các doanh nghiệp rất trông đợi những chính sách hỗ trợ được nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho sự phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Đón nhận thông tin này, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta dự tính nếu được giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% như nội dung đề ra tại Nghị quyết, doanh nghiệp có thể giảm ngay được một khoản tiền đáng kể, có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Vị doanh nhân nhẩm tính: Công ty hiện có khoảng 500 cán bộ nhân viên, quỹ tiền lương chi trả cho người lao động mỗi tháng khoảng 7 tỷ-8 tỷ đồng, nếu giảm 1% phí công đoàn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 70 triệu đồng/tháng, tổng cộng mỗi năm tiết kiệm được vài trăm triệu đồng đến một tỷ đồng. Hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Nghĩa rất thấm nỗi mất mát kéo dài từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay.

Tình hình khó khăn đến mức doanh nghiệp phải tiếp tục co cụm lại, chắt chiu từng đồng trả nợ, cũng như giảm chi phí lãi vay. Doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh bởi nếu mạo hiểm đầu tư vào thời điểm chưa rõ xu hướng phục hồi của thị trường, rủi ro rất cao là không tạo được dòng tiền trả nợ, khi đó doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh chết trên đống tài sản.

Vị doanh nhân cũng kỳ vọng việc giảm lãi suất sẽ có tác dụng hỗ trợ thanh khoản cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng quan trọng là thủ tục phải đơn giản, dễ tiếp cận, tránh tình trạng một số gói hỗ trợ không giải ngân được vì tắc ở khâu quy định quá ngặt nghèo. “Giảm được lãi suất, phí công đoàn sẽ tác dụng đến tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, giúp doanh nghiệp phần nào bớt được khó khăn và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ”, ông Trần Đức Nghĩa cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ được ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa rất thiết thực vì trong thực tiễn, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là ngành kinh doanh vận tải ô-tô. Liên quan đến vận chuyển hàng hóa quá cảnh, các doanh nghiệp thành viên phản ánh thường xuyên bị hải quan cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh cho dù không phải hàng cấm; hàng quá cảnh không được tiêu thụ trong thị trường nội địa, ngay cả khi phương tiện vận chuyển đi đúng tuyến đường, đúng thời gian quy định.

Tiếp sức giúp doanh nghiệp vượt khó ảnh 1
Ban Chỉ đạo Phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tỉnh Phú Thọ đi thực tế tại Công ty cổ phần xây lắp Trường Sơn miền bắc

Cơ quan hải quan cũng không sử dụng thiết bị, công nghệ, máy móc soi chiếu mà tiến hành kiểm tra một cách thủ công, rạch bao bì khiến hàng hóa không bảo đảm giữ niêm phong của chủ hàng nước ngoài... Cách thức kiểm tra bất hợp lý như vậy đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp và có nguy cơ đứt gãy hoạt động vận tải hàng hóa quá cảnh. Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã cập nhật các nội dung này trong kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối cập nhật thông tin về những vướng mắc, bất cập của quy định pháp lý và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: Sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và tình trạng khó khăn kéo dài trong thời gian qua rất có thể ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần kinh doanh. Cho nên tại thời điểm này, Chính phủ ban hành thêm một nghị quyết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chính là thể hiện sự cam kết đồng hành, chia sẻ của Chính phủ với các doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ càng sớm triển khai đến đối tượng thụ hưởng thì tác động đến lợi ích càng lớn.

Với đặc điểm là nghị quyết chuyên đề bổ sung cho những nội dung đã ban hành tại những nghị quyết trước đây về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng để Nghị quyết 105/NQ-CP đi vào cuộc sống, quan trọng nhất là phát huy tính kịp thời trong việc ban hành các quyết định liên quan để triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết đề ra. Nghĩa là các quyết định, văn bản hướng dẫn thực hiện của các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phải được soạn thảo song song với việc soạn thảo Nghị quyết để có thể triển khai thực hiện ngay khi Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực. Đây là kinh nghiệm thành công được thực hiện trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19.

Từ kỳ vọng của doanh nghiệp và thị trường vào hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ của Nghị quyết 105/NQ-CP, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị công tác rà soát các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải được quan tâm và thúc đẩy thực hiện, nhất là kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ chính sách và pháp luật của doanh nghiệp.

Trong đó bao gồm cả việc rà soát công tác thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Cần hạn chế thanh kiểm tra quá mức để tránh nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, không làm phát sinh các chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết 105/NQ-CP cũng nhấn mạnh đây là lúc phải dứt khoát phá bỏ tình trạng sợ sai, không dám quyết theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; phá bỏ sự cố thủ của các rào cản kinh doanh và những điều kiện chưa thật sự tạo thuận lợi thương mại và đầu tư; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực của thị trường (đất đai, năng lượng, các lĩnh vực dịch vụ). Đây là những giải pháp rất quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các động lực tăng trưởng.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần đánh giá tổng thể lại nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế thực thi, giám sát việc triển khai thực hiện, như vậy mới bảo đảm phát huy tối đa các kết quả kỳ vọng mà Nghị quyết 105/NQ-CP mang lại, góp phần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 cũng như sự phục hồi của sản xuất, kinh doanh.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP: Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Nguồn: Nghị quyết 105/NQ-CP