Hỗ trợ người lao động lúc khó khăn
Lúc đại dịch Covid-19 ập đến, tình trạng giảm việc, mất việc khiến người lao động thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là công nhân ở các công ty bị cắt giảm đơn hàng. Chính sách hỗ trợ của Công đoàn Việt Nam cũng như Công đoàn thành phố đã kịp thời giúp người lao động phần nào vượt qua khó khăn. Việc đề xuất, triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền thành phố đối với người lao động cũng được các cấp Công đoàn thành phố thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Kết quả, thành phố đã chi hỗ trợ cho gần 238 nghìn trường hợp theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 368 tỷ đồng; hỗ trợ bữa ăn cho 61.444 người lao động tại 213 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với kinh phí hơn 61 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ 15.872 trường hợp con của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí 7,6 tỷ đồng. Tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19, các cấp công đoàn thành phố đã chăm lo cho 1,3 triệu người với tổng kinh phí gần 693 tỷ đồng.
Một trong những mô hình sẻ chia nhằm chăm lo cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người bị tác động sau đại dịch Covid-19 là Mô hình "1+1". Đây là mô hình một công đoàn cơ sở nhận chăm lo ít nhất một đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, do Liên đoàn Lao động quận Bình Tân phát động, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của rất nhiều công ty, doanh nghiệp. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Bình Tân đánh giá, mô hình “1+1” vừa thiết thực, vừa hết sức nhân văn vì: “Thêm một người lao động được chăm lo nghĩa là bớt đi một nỗi khó khăn, một hoàn cảnh khốn khó”, tiếp sức cho người lao động yên tâm làm việc...
Trong tháng 4/2023, khi chương trình được phát động đã có 34 người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được các công đoàn cơ sở quận Bình Tân (đại diện cho các doanh nghiệp) nhận hỗ trợ chăm lo trong 12 tháng với kinh phí từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng/người/tháng. Trường hợp chị Võ Thị Yến, là công nhân Công ty Fuchun, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân bị suy thận giai đoạn 4 đã được Công ty TNHH Tươi Mart hỗ trợ một triệu đồng/tháng, kéo dài một năm.
Chăm lo đoàn viên nghiệp đoàn
Trong bối cảnh số lao động tăng nhanh ở khu vực phi chính thức, cũng là khu vực khó tiếp cận triển khai các hoạt động của tổ chức công đoàn; liên đoàn lao động các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã mở rộng đối tượng để nỗ lực tiếp cận, hỗ trợ cho khu vực này.
Thông qua các nhân tố tích cực và hoạt động chăm lo thiết thực tại những thời điểm khó khăn, đến nay các cấp Công đoàn đã tập hợp được 8.474 lao động (đạt 121,05% so với chỉ tiêu) vào 148 nghiệp đoàn ở nhiều ngành nghề như xe ôm, giúp việc nhà, giữ trẻ, tiểu thương đường phố, buôn bán, sửa chữa nhỏ,... vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra. Hoạt động của các nghiệp đoàn chủ yếu trên tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ thông tin, tư vấn, giúp đỡ nhau.
Bên cạnh việc chăm lo công nhân, người lao động, liên đoàn lao động quận, huyện, công đoàn cơ sở còn quan tâm đến đoàn viên ở các nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn như chạy xe ôm, giúp việc nhà..., thể hiện tinh thần quan tâm, hỗ trợ người lao động vượt khó bằng những trợ giúp cụ thể.
Nhận món quà gồm tiền và đồ dùng gia đình do Liên đoàn Lao động Quận 1 trao tặng dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Nguyễn Văn My (65 tuổi) ở đường Mã Lộ, bên hông chợ Tân Định rất xúc động. Ông My chạy xe ôm và tham gia Nghiệp đoàn Xe ôm quận từ rất lâu, nay được nghiệp đoàn và quận quan tâm cho nên gia đình cảm thấy như được tiếp sức.
Ông My chia sẻ, trên hết của việc tham gia nghiệp đoàn chính là mình được tổ chức công đoàn quan tâm, thăm hỏi lúc hoạn nạn khó khăn. Nghiệp đoàn cũng là nơi tập hợp những anh em, con cháu làm nghề, động viên, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Từ năm 2019 đến 2023, liên đoàn lao động các quận, huyện đã tổ chức họp mặt, tặng quà cho 5.735 đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm, bốc xếp, vệ sinh dân lập, giáo viên mầm non, nghiệp đoàn khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện đón Tết; thăm và tặng quà Tết cho 535 nghiệp đoàn của thành phố với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng.
Các cấp công đoàn thành phố còn thực hiện và duy trì hằng năm chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, hỗ trợ, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên, người lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết của tổ chức công đoàn. Thông qua ký kết hợp tác với các đối tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ, chương trình “Phúc lợi đoàn viên” được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng như tặng quà, giảm giá trực tiếp, ưu đãi chiết khấu, mua hàng trả góp, miễn, giảm một số chi phí liên quan, các đối tác thông qua tổ chức công đoàn đã tạo điều kiện tốt hơn để đoàn viên, người lao động có thể mua sắm, tiêu dùng, tiếp cận một số dịch vụ vui chơi, giải trí, trải nghiệm internet, thăm khám sức khỏe, học tập.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công nhân, viên chức, người lao động, cán bộ, công chức khẳng định vai trò nòng cốt trong lao động, sản xuất, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, đóng góp quyết định vào sự phát triển của thành phố. Tính đến đầu năm 2023, lực lượng lao động của thành phố là hơn 4,8 triệu người.
Thông qua các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, thăm, tìm hiểu tình hình, phối hợp đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn, tôn vinh doanh nghiệp vì người lao động, Công đoàn thành phố đã nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Hoạt động của phần lớn công đoàn cơ sở được tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết tốt hơn những vấn đề phát sinh trên cơ sở thương lượng, thấu hiểu lẫn nhau, hạn chế xung đột, mâu thuẫn.