Tiếp nối hào khí Khởi nghĩa Nam Kỳ, xây dựng quê hương giàu đẹp

Truyền thống cách mạng của quê hương và hào khí cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là nguồn lực tinh thần vô giá để Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình hầm chui An Sương góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh.
Công trình hầm chui An Sương góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), nay là thị trấn Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Trung ương Đảng đã mở năm cuộc hội nghị quan trọng. Trong đó, từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần VI đã được triệu tập tại nhà ông Trần Văn Hy (Hai Hy), do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Nghị quyết Trung ương VI (tháng 11/1939) chính là tiền đề dẫn đến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23 tháng 11 năm 1940) và Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ đó, Hóc Môn được xem là quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa. Có thể nói, nhân dân Mười tám thôn Vườn Trầu đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao là bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong giai đoạn này. Nơi đây cũng là nơi trui rèn nhiều anh hùng cách mạng.

Đồng chí Trương Thành Hỷ, lão thành cách mạng, hồi tưởng: “Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra lúc tôi 16 tuổi. Hồi đó tôi đi đưa thư mật (mời hội họp) cho các ông Mười Khu, ông Tám Thức, rồi bà Mừng, bà Nuôi, là những người tham gia cách mạng. Không ai biết ngày 23/11 là ngày khởi nghĩa nhưng bỗng nhiên thấy tất cả thanh niên mặc đồ đen, đeo khăn rằn quấn cổ, rồi tiếng súng nổ ra...”.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hóc Môn: “Các cánh quân từ bốn phía tiến thẳng vào đồn Hóc Môn, bọn lính bỏ chạy. Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ cùng một nhóm quân rút lên lầu cao đặt súng bắn xuống và gọi điện thoại về các tỉnh Gia Định, Thủ Dầu Một và Sài Gòn kêu cứu. Đồng chí Đỗ Văn Dậy hô hào anh em tìm cách trèo lên đồn và đồng chí đã bám ống máng nước trèo lên, đến lưng chừng tường thì trúng đạn, bị thương nặng.

Nhiều toán xung kích khác sôi sục chồng lên nhau làm thang leo lên đồn. Một người rơi xuống có người khác lên thay, cứ thế quyết liệt giằng co cho đến gần sáng...”. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra đêm 22 rạng sáng 23/11. Cuộc tấn công Dinh quận Hóc Môn dù chưa trọn vẹn nhưng đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản và sức mạnh vô biên của quần chúng yêu nước, đồng thời để lại những bài học về chuẩn bị lực lượng tổ chức khởi nghĩa, khả năng lãnh đạo chỉ huy, khả năng khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược dành chính quyền.

Truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa mãi là nguồn lực tinh thần vô giá để Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là huyện Anh hùng của thành phố Anh hùng mang tên Bác Hồ kính yêu.

Những khó khăn, hạn chế về hạ tầng giao thông sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng đã được Huyện ủy, UBND huyện Hóc Môn tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị. Đây cũng là một trong những chương trình đột phá mà Đảng bộ huyện luôn quan tâm và dồn sức thực hiện, nhất là trong giai đoạn 2020-2025. Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từng bước được hoàn thiện, trong đó hàng chục kilomet đường giao thông huyết mạch được đầu tư từ nguồn kinh phí ngân sách đã góp phần làm “thay da đổi thịt” bộ mặt đô thị, thay đổi căn bản đời sống người dân và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đơn cử như các công trình xây dựng nút giao thông An Sương, đường Tô Ký, đường Đặng Thúc Vịnh. Hiện tại, huyện Hóc Môn cùng ba địa phương thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng đường Vành đai 3-một dự án trọng điểm của quốc gia, giúp kết nối phát triển kinh tế-xã hội liên vùng.

Huyện cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kết nối hai lĩnh vực quan trọng là y tế và giáo dục. Có 16 công trình trường học đã hoàn thành. Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn-một công trình y tế trọng điểm của thành phố, quy mô hơn 1.000 giường bệnh, đang trong quá trình hoàn thành xây dựng. Bác sĩ Đặng Quốc Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết: Công trình sẽ được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cuối năm 2023 với 500 giường bệnh đạt chuẩn, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân địa phương cũng như các khu vực lân cận.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch và chung sức phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19. Từ cuối năm 2021 và trong năm 2022, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. UBND huyện Hóc Môn đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vào huyện Hóc Môn và Củ Chi. Hội nghị được đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 23 vị trí tiềm năng…

Bày tỏ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương, đồng chí Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn khẳng định: Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn mãi mãi khắc ghi những trang sử hào hùng của quê hương, sự chiến đấu, hy sinh oanh liệt của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Phát huy truyền thống ấy, Đảng bộ cùng chính quyền địa phương luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xem đầu tư hạ tầng là trụ cột để phát triển kinh tế. Đồng thời, Đảng bộ huyện ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án Đầu tư, xây dựng phát triển huyện Hóc Môn trở thành thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030.