Các đơn vị đã xây dựng mạng lưới người hiến máu bao phủ nhiều nhóm đối tượng, trải rộng nhiều địa bàn, từ mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ hiến máu, đến gia đình, dòng họ hiến máu, tuyến phố, rộng hơn là mô hình xã, phường, thị trấn hiến máu. Trong công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng cán bộ, hội viên chữ thập đỏ, thanh niên, sinh viên tình nguyện, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở là lực lượng hạt nhân, nòng cốt, cũng là người tiên phong, gương mẫu hiến máu.
Hội thi Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024. Kế hoạch nhằm bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong các hộ gia đình thuộc “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” trên địa bàn. Hội thi được tổ chức theo hai cấp (cấp huyện và cấp thành phố). Nội dung thi gồm hai môn thi lý thuyết và thực hành. Trong đó, phần thi thực hành sẽ có các nội dung như chữa cháy, cứu người và di chuyển tài sản đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…
Hà Nội có 1.785 trường công lập đạt chuẩn quốc gia
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm 2023, thành phố đã công nhận 167 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 54 trường mầm non, 67 trường tiểu học, 43 trường trung học cơ sở và 3 trường trung học phổ thông, đạt 128% kế hoạch thành phố giao, vượt 37 trường.
Như vậy, hiện toàn thành phố đã có 1.785 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80%. Năm đơn vị hiện dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia gồm huyện Đan Phượng (98,2%); quận Tây Hồ (92,6%); huyện Gia Lâm (92,4%); huyện Thanh Trì (90,4%); quận Bắc Từ Liêm (90%). Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đang tiếp tục được thành phố, ngành Giáo dục và các địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Nhiều dự án đất được tổ chức đấu giá
Từ nay đến hết quý II năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ đấu giá nhiều dự án đất ở để phục vụ nhu cầu của người dân. Tất cả các khu đất đấu giá đều được quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối với các trục giao thông chính, đáp ứng cho việc hình thành các khu dân cư mới hiện đại và văn minh.
Thành phố yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá đất của 30 quận, huyện, thị xã… Trong đó, từ nay đến cuối tháng 3, có gần 180 thửa đất tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh và thị xã Sơn Tây được đưa ra đấu giá quyền sử dụng với giá khởi điểm cao nhất 33 triệu đồng/m2.