Tiếp nguồn cảm thức biên cương qua trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh

NDO -

NDĐT – Mười năm trước (2006), đại úy, nhà thơ Phạm Vân Anh (lúc bấy giờ còn được gọi là “cây bút trẻ”) xuất bản tập thơ “Mùa tình” (NXB Hội Nhà văn), tôi có viết bài điểm sách nho nhỏ trên tuần báo Văn nghệ trẻ, có đoạn: “Ở mỗi người thơ đều có một cõi tâm linh, cảm thức và phong cách riêng. Thi nhân nào lúc khởi đầu tạo được một âm sắc riêng, một vùng-khí-hậu-thơ riêng… thì thường là những trí-lực-thơ, bản-lĩnh-thơ dễ khiến bạn đọc đặt niềm tin vào cuộc hành trình ở phía sau xa. Giữa trùng trùng vây bủa của thế hệ mình… Phạm Vân Anh cứ lặng lẽ quay về xới tìm trong mạch nguồn tâm thức ngàn đời của hồn dân tộc…

Nhà thơ nữ - chiến sĩ Phạm Vân Anh.
Nhà thơ nữ - chiến sĩ Phạm Vân Anh.

Nay, sau mười năm, đọc trường ca “Sa mộc” (NXB Lao động, 2016) của tác giả này (đã đĩnh đạc là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được bảy năm), tôi cảm nhận đây là một “bước nhảy” vừa dài, vừa vững chãi của tác giả, khi tuổi đời, “tuổi thơ” so với nhiều người làm thơ khác cũng vẫn còn… khiêm tốn! “Bước dài” này, xin được nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thật vậy, nếu trước đây người đọc chỉ bắt gặp những cảm thức về biên cương, đất nước trong thơ Phạm Vân Anh mới chỉ là những lát cắt nhỏ và mỏng ở những bài thơ ngắn, thơ lẻ; thì nay đã là một tiếng vọng dài hơi và cô đúc; trước đây chỉ là những xúc cảm mơ hồ từ tiềm thức được biểu đạt qua những câu từ văn hoa trau chuốt, thì nay đã là những phát ngôn đầy ý thức, với nội lực tự tại, luận bàn trực tiếp, trực diện và dài hơi về khái niệm quốc gia, dân tộc mà người đăng đàn đã đủ lực, chín muồi.

Trường ca “Sa mộc” bảy chương, với gần 1.000 câu thơ, đã chứng minh một bút lực (nói như nhà thơ Thu Bồn) đang… “trường vốn” lắm! Vâng, giữa thời kinh tế thị trường, cũng xin nói theo kiểu “cập nhật” một chút, là nhà thơ hôm nay cũng như nhà khởi nghiệp (startup), nhà kinh doanh, phải trường vốn và “trường trí” mới “chen chân” được nơi “chiến trường - thương trường” đầy thách thức và rủi may! Phạm Vân Anh đã thể hiện mình là một người như vậy trong nghiệp văn.

Không nệ vào cấu trúc truyền thống, vượt thoát khỏi lối kể chuyện tuyến tính bằng diễn ngôn, Phạm Vân Anh đã sáng tạo một cấu trúc riêng mang mầu sắc hiện đại cho trường ca của mình. Chính cấu trúc mới mẻ và tư tưởng nghệ thuật khác biệt này đã đem lại cho tôi một nhận định rằng: Nếu không có vốn sống phong phú về các dân tộc ở những vùng biên cương và biển đảo của Tổ Quốc, không am tường và thấu hiểu lịch sử văn hóa của các dân tộc anh em, không có tình cảm sâu đậm với những đồng đội, đồng chí của mình thì sẽ không thể viết nên một trường ca xúc động và có tầm tư tưởng như vậy.

Trường ca mượn hình tượng cây sa mộc cứng cỏi, uy dũng nơi núi rừng biên cương phía bắc để biểu trưng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng; và qua đó, diễn đạt cảm thức về biên giới, biên cương Tổ quốc: “Dặm dài miền dã sử/ Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi/ Vạm vỡ tiêu binh miền phên giậu”. Ai đã từng thấy, từng gặp những vạt rừng sa mộc uy nghi trầm mặc giữa núi rừng Việt Bắc thì không thể không đồng tình với cảm nhận và ví von, so sánh này của tác giả.

Và, với hình tượng sa mộc, mọi người cũng có thể “mượn” (và cũng có người đã mượn) một số loài cây khác có mặt ở hầu khắp vùng biên cương biên ải trên cả ba miền Tổ quốc để so sánh, ví von với hình tượng người lính nói chung, với Biên phòng Việt Nam nói riêng. Như là cây kơ-nia ở Tây Nguyên, cây thốt nốt ở Tây Nam, cây pơ-mu ở núi rừng Trung Bộ, v.v… Đều là những dáng cây vạm vỡ, hiên ngang, cứng cỏi gắn liền với miền biên viễn biên cương của đất nước.

Trong thơ ca Việt Nam từ xưa đã có một dòng chảy không khoa phô mà âm thầm lưu đọng trong tâm thức công dân một mạch ngầm minh triết về quốc gia, dân tộc, chủ quyền. Các sách văn học sử và các tập thi tuyển xếp dòng thơ này vào loại mục “Thơ biên tái” còn lưu lại bao vần thơ trầm hùng và tiêu sái. Mạch nguồn cảm thức công dân ấy lặng lẽ tiếp truyền qua bao thế hệ thi nhân, góp phần nuôi dưỡng tinh thần và hào khí dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm qua. Ở Phạm Vân Anh, bạn đọc dễ dàng nhận ra dấu ấn khá đậm nét nguồn cảm thức này. Ngay từ những sáng tác buổi đầu, thơ Phạm Vân Anh đã phảng phất khí vị hồn thơ biên tái: “Gió bạt phương Nam/ Mưa trùm ải Bắc/ Hào khí Đông A chồn lòng tướng giặc/ Khúc tráng ca vang giữa Hoàng thành” (bài “Lau lách Chi Lăng”, tập “Mùa tình”).

Đến hôm nay, khi đã qua khắp cùng vùng miền Tổ quốc, từ “Thuyền thong dong giữa Đà Giang chơi vơi” Tây Bắc đến “Chiều buông Chư Mom Ray/ Vạt cà phê chín đỏ” Tây Nguyên, gặp “Điệu Sarikakeo nối nhịp ân tình” ở tận Tây Nam, và cả nơi sóng gió Trường Sa, thì cảm thức biên cương trong Phạm Vân Anh càng dài rộng hơn ra và trải nghiệm hơn nhiều: “Thiêng liêng phút trang nghiêm chào Tổ quốc/ Nhìn thế núi mạch sông nhận cương vực ngàn đời”. Vâng, khái niệm “cương vực ngàn đời” đã được danh tướng Lý Thường Kiệt xác tín từ ngàn năm trước: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”! Cái xác tín độc lập, chủ quyền ấy đã khiến có những thế lực “xác to bụng hẹp” rất lấy làm… khó chịu!

Ngẫm cho cùng thì biên giới, biên cương cũng chỉ là nơi rẻo đất, dòng sông, ngọn núi, cánh rừng trên mặt đất chung toàn nhân loại. Thế nhưng, với công dân bất cứ quốc gia, dân tộc nào, mỗi khi nghĩ về, mỗi khi đặt chân đến mép đất giáp ranh ấy cũng đều mang một tâm trạng khác? Điều này ai cũng cảm thức được, nhưng không dễ lý giải. “Biên giới là do con người tạo ra/ Núi vẫn liền núi sông vẫn liền sông…/ Biết thế nhưng vẫn cảm giác chiều quan tái/ Vẫn thân quen khi trên đất quê mình/ Và lạ lẫm khi bước qua đất bạn!…”. (Thơ Hoàng Việt).

Cái sự khó lý giải ấy được Phạm Vân Anh kiến giải bằng “huy động” mọi kiến văn và cảm thức từ lịch sử đến dã sử, từ tuyền thuyết - huyền thoại đến thực tế - thực địa trong quá trình hoang du đến định cư, nhập quốc của các dân tộc anh em, để thấy, để hiểu rằng biên cương, cương vực sinh tồn của riêng mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là vô cùng thiêng liêng và bất diệt: Miền dã sử tôi qua/ Vùng Đất Tổ bao sắc dân thiểu số/ Vầng trán mẹ hoài chứa ngàn huyền thoại/ Chia vào tôi tình cảm mến thương/ Tặng cho tôi món quà tri thức bản địa/ Bền bỉ chảy trong huyết quản nhân sinh/ Thêm hiểu thêm yêu/ Thêm hành trang những góc tâm hồn Việt.

Biên giới, biên cương thì luôn gắn liền hình ảnh lính Biên phòng. Ngày xưa là hình ảnh anh “lính thú” trong ca dao: “Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan/ Chém tre đẵn gỗ trên ngàn…”. Những biến động lịch sử của quốc gia, dân tộc nơi vùng phên giậu luôn tác động đến những người lính làm nhiệm vụ “Khiên thép trấn biên” - người đầu tiên và trực tiếp đối diện, đối đầu với những biến động ấy. Hình ảnh người lính trấn gác biên cương ấy, ngày nay được Phạm Vân Anh diễn đạt khái niệm này vừa hào tráng và bi hùng: “Lứa chúng con lớn vội lớn vàng/ Bỏ quên niên thiếu/ Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo/ Tuổi quân chưa đầy năm đã ngược Cao Bằng, xuôi Thanh - Nghệ/ Ký ức biên cương dốc mắt chỉ rừng già…/ Lũ chúng con/ Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/ Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/ Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc”. Vâng, Tổ quốc luôn “thanh tân” từ sự hy sinh ấy!

Trước đây, nhà thơ Lê Anh Xuân đã tạc một “dáng đứng Việt Nam” của anh Giải phóng quân nơi sân bay Tân Sơn Nhất. Nay, Phạm Vân Anh cũng “tạc” hình bóng người lính biên phòng nơi đỉnh cao biên ải (nhưng, không phải tác giả, mà chính là rừng núi tạc!): “Người lính biên phòng như cây trên rừng ấy/ Bén rễ rồi thì bền gốc tươi cành/ Quân hàm xanh uống hơi núi mà xanh/ Đỉnh cao lồng bóng…/ Tuần tra theo mùa đi bát ngát/ Rừng tạc vào xuân một dáng người”! Câu thơ hay thắt thỏm! Không phát lộ rõ một dáng người, chỉ phác thảo một hình tượng ảo huyền để quyện hòa vào sức truyền lan của nghệ thuật ngôn từ và thi điệu làm ám ảnh, động lay trong tâm trí người đọc một chân dung muôn thuở, vừa lãng mạn vừa hào tráng!

Từ cảm thức công dân và cảm xúc thi ca ấy, Phạm Vân Anh đẩy lên thành những triết lý, những lập ngôn riêng mình về biên cương, biên giới: “Tổ tiên đã bao đời vịn đá/ Mất biên giới, mất quê hương ta thành người hành khất/ Minh triết núi rừng giản dị có vậy thôi” “Vút vói thanh điệu…/ Chiêng ông bà dặn Tổ quốc là gốc/ Chiêng bố mẹ khuyên quê hương là nền/ Chiêng cháu con say bước chân mở đất” – “Những ngôi nhà trổ cửa hướng biên cương/ Trái luật tục ngàn đời, bởi cần canh Tổ quốc…/ Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương/ Mỗi nếp nhà một chốt canh đứng đợi/ Đêm biên thùy ký thác hừng đông”… Những câu thơ như thế này bạn đọc có thể bắt gặp nhiều hơn thế trong suốt trường ca.

Cái sự trổ hướng cửa nhà “trái luật tục ngàn đời” không chỉ là một tìm hiểu, một phát hiện của Phạm Vân Anh, mà nó nói lên bài học cảnh giác nơi miền phên giậu. Bài học lịch sử đau đớn “Nỏ Thần” đã được nhà thơ Tố Hữu khái luận: “Trái tim lầm lỡ để trên đầu” rồi đấy! Cũng cùng một cách nói ẩn dụ ấy, ở “Sa mộc” tác giả không chỉ tập trung niềm xúc cảm miền biên cương trên bộ, mà còn “cẩn thận” nhắc nhớ, cảnh báo về một biên cương trên Biển Đông đang nhuốm màu biến động. Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa, cái nơi mà ngay cả những người nước ngoài, như giám mục Tabert, đã viết: Năm 1816, nhà vua (Gia Long – NV) đã tới cắm cờ một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không có một ai tranh giành với nhà vua”. Thế mà ngày nay lại có kẻ tham lam ngang ngược đến “giành”: “Nơi khuất tít ngỡ trời yên bể lặng/ Hay đâu biên cương chưa một ngày thanh thản/ Loang không gian tiếng sóng hờn, biển thét phía tiền duyên/ Lời hải âu ngún nơi chân sóng…”. Trích dẫn thêm đoạn thơ này để thấy sự bao quát, nhạy cảm về cảm thức biên cương của tác giả trường ca.

Tuy nhiên, trường ca “Sa mộc” không chỉ đơn thuần là bài ca chính luận kiểu “tuyên truyền cổ động”, mà còn là một “tập đại thành” về kiến văn văn hóa - lịch sử dân tộc; còn là bàng bạc đó đây những câu thơ đẹp, hay lay lắt của một tâm hồn thơ, của một con mắt thơ “chân thi sĩ”: “Thương lắm mắt trẻ con bối rối/ Hồn nhiên nghèo khó đến nao lòng” – “Ban mai thắp một nụ đào nở sớm/ Biên cương chào năm mới cũng rưng rưng” – “Ba lô buộc lại những xa xôi/ Người nằm lại Miền Trời thành sương khói” – “Mặt trời đói lả vào giông bão” – “Đêm tối lặng lờ như góa phụ” – “Ngàn lau trắng chưa quên mình từng biếc” – “Lời hải âu ngún nơi chân sóng”, v.v…

Viết về người lính, trong thơ ca ta đã nhiều, nhưng “đặc tả” Biên phòng trong một mạch thơ mang tính tổng hòa thì có lẽ trường ca “Sa mộc” là dài hơi, dày dặn nhất, tính đến thời điểm này. Một “thử sức” có phần “phiêu lưu” đối với một nhà thơ nữ trẻ! Tôi thực sự ấn tượng trước những câu thơ mà Phạm Vân Anh đã thay mặt cho đồng đội của mình cất lên với niềm tự hào: “Chúng tôi. Những người trai giữ đất đêm nay. Giữ ánh mắt trẻ thơ trong veo trời biên giới. Giữ minh triết người già về nguồn cội. Bảo vệ từng trang dã sử ngàn đời”. Hay “Ở nơi này tìm thấy một tình yêu. Trong thế núi dáng sông. Trong nhà dựng sát mái nhà, mái kề liền mái. Trong vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng. Trong con đường sắc đỏ trải mênh mông”.

“Lang thang miền dã sử/ Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/ Thức cùng non sông này” – bốn câu thơ kết của trường ca Sa mộc đã tạc vào núi rừng biên giới, vào lịch sử nghìn năm một hình tượng ngời sáng. Người chiến sĩ biên phòng – cây sa mộc trong phiên gác đêm lạnh đang thức cùng nhiệm vụ, thức cùng non sông yêu dấu.

Với giá trị hiện thực, giá trị tư tưởng và nghê thuật sâu sắc, tôi tin rằng trường ca “Sa mộc“ sẽ có tác dụng không nhỏ, góp phần bồi dưỡng, vun trồng những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Biên phòng nói riêng và “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung. Và cũng như trước đây, khi viết những dòng cảm nhận nho nhỏ này, tôi cũng không ngại mình “quá lời” khi nói rằng đây là cách thể hiện một bản lĩnh thơ, một tài hoa thơ của nhà thơ khoác áo lính Phạm Vân Anh.