Từ đó, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp, tôn trọng và thực hiện tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Vai trò công đoàn trong thúc đẩy văn hóa công nhân
Tổ chức công đoàn các cấp đã chủ động tham gia, phối hợp tổ chức phong trào tự học tập nâng cao trình độ của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Hoạt động công đoàn kết hợp công tác chuyên môn giúp đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng người lao động làm việc với tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp, nghiêm túc trong giao tiếp và tinh tế, lịch thiệp, văn minh trong ứng xử; chăm lo, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.
Sự phối hợp hiệu quả giúp giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, đề xuất cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động... Đây là những nội dung chính góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mục tiêu vì người lao động của doanh nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức hoạt động cụ thể nhằm xây dựng đời sống văn hóa công nhân, nhất là công nhân, lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức tổ chức và nội dung hoạt động để người lao động được trực tiếp tham gia và thụ hưởng, quan tâm đào tạo các kỹ năng tổ chức hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần công nhân cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Các cấp công đoàn thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, từng bước trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Nét đặc thù trong chăm lo đời sống văn hóa công nhân khu công nghiệp trong những năm qua là tổ chức lồng ghép phong phú các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhiều hoạt động của các cấp công đoàn, qua đó vừa chăm lo lợi ích vật chất, vừa chăm lo lợi ích tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Một trong những điểm sáng là chương trình "Giờ thứ 9+". Sau nhiều năm vắng bóng, năm 2022, chương trình "Giờ thứ 9+" vốn được xem là sân chơi truyền hình mang đậm màu sắc công nhân hoạt động trở lại, thu hút đông đảo công nhân, lao động tham gia, các doanh nghiệp ủng hộ. Chương trình khắc họa bức tranh sinh động của đời sống công nhân trong lao động, sản xuất, sau giờ tan ca với tình yêu nghề và sẻ chia cùng đồng nghiệp. Từ những mô hình hoạt động này, công nhân, người lao động trở thành trung tâm, chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
"Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường làm việc có nhiều động lực cho người lao động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt".
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng bởi những người lao động trong doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp và vì người lao động. Đó cũng là mong muốn, mục tiêu hoạt động của tổ chức công đoàn.
Do vậy, công đoàn tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn. Đây là một trong những đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường làm việc có nhiều động lực cho người lao động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt.
Công đoàn các cấp nhận thấy việc tham gia tích cực vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động công đoàn. Doanh nghiệp phát triển không ngừng thông qua việc sản xuất, cung cấp dịch vụ uy tín, hài lòng khách hàng, doanh nghiệp phát triển thì việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị
Với hơn 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ, thực tế vẫn còn nhiều người nhận thức đơn giản rằng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động tại các khu công nghiệp chủ yếu là hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng, tổ chức giao hữu, thi đấu thể thao, tổ chức đi tham quan, nghỉ mát định kỳ, hay việc quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa để người lao động hưởng thụ.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, những điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ, mà điều quan trọng là phải có những việc làm cụ thể, thiết thực để làm cho các giá trị tốt đẹp của văn hóa thấm sâu vào suy nghĩ, việc làm, thái độ và hành động của người lao động. Đó mới là động lực cốt lõi giúp đội ngũ công nhân vươn lên trở thành giai cấp tiên phong trong xã hội cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhân cách, tác phong công nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Cách đây bảy năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất". Để tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác này.
Rõ ràng, để đạt được sự tinh hoa, việc xây dựng văn hóa công nhân không riêng của doanh nghiệp hay tổ chức công đoàn mà cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Đảng, Chính phủ đã có chủ trương, Nhà nước đã có các chính sách cụ thể, nhằm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động.
Vì thế, trách nhiệm chung tay chăm lo xây dựng giai cấp công nhân cần sự nhận thức rõ trách nhiệm và vào cuộc sát sao hơn nữa từ cấp ủy địa phương nơi có những khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Xây dựng...
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và công nhân lao động.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đó, các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cần đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất vào nghị quyết của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội có chương trình hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của công nhân.
Đối với các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này; tăng dần ngân sách đầu tư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Vấn đề trước mắt hiện nay được nhiều doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, đoàn viên rất quan tâm là các bộ, ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp hiệu quả với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai có hiệu quả Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp"...
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/4/2023.