Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay

NDO - Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, những tư liệu lịch sử về Hà Nội không chỉ là nguồn tài liệu quý giá cho nghiên cứu, mà còn là chất liệu phong phú để tái hiện câu chuyện lịch sử đô thị Hà Nội một cách sáng tạo và hấp dẫn, qua đó giúp người dân và du khách hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Trong khuôn khổ Triển lãm sách Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, buổi tọa đàm với chủ đề “Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay” đã diễn ra vào ngày 11/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Sự kiện do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn và những người yêu mến lịch sử Thủ đô.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhà phê bình Mai Anh Tuấn với vai trò MC cùng sự xuất hiện của hai khách mời: Nhà báo Trần Trung Chính, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng; và nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý.

Nội dung tọa đàm xoay quanh giá trị tư liệu và lưu trữ trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của TS. Đào Thị Diến, qua đó nêu vấn đề gìn giữ và hệ thống các dữ liệu lưu trữ như tài liệu tham khảo quý giá cho nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch, xây dựng đến sáng tạo nghệ thuật.

Tầm quan trọng của tư liệu gốc trong nghiên cứu lịch sử Hà Nội

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về cái nhìn đúng đắn về lịch sử những kiến trúc Hà Nội nhằm xóa bỏ những ngộ nhận về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, trong vấn đề tiếp cận lịch sử hiện nay, ta thường tiếp cận với cái nhìn có xu hướng quan phương hóa nên nhiều khi ta có những cái nhận định về lịch sử hay ở đây là lịch sử về những kiến trúc Hà Nội đôi khi sai lệch.

Cũng trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các tư liệu lịch sử gốc. Ông chia sẻ rằng, một số tài liệu được dịch thuật trong quá khứ đôi khi không phản ánh đầy đủ nội dung nguyên bản, dẫn đến những hiểu lầm trong việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử.

Đặc biệt, ông lấy thí dụ về việc tìm kiếm các văn bản triều Nguyễn được viết bằng chữ Hán, qua đó cho thấy sự cần thiết của việc kiểm chứng và đối chiếu nguồn tư liệu để bảo đảm tính chính xác.

Trong quá trình thảo luận, một vấn đề nổi bật được đưa ra là cái nhìn chưa đầy đủ của người dân về các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng tại Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, trong quá khứ, nhiều người dân Hà Nội đã hiểu nhầm mục đích của những dự án như lấp đất một phần Hồ Gươm hay xây dựng con đê giữa hồ Trúc Bạch và hồ Tây. Thực chất, những dự án này nhằm gia cố hạ tầng, bảo vệ cảnh quan đô thị và tạo ra không gian sinh hoạt công cộng.

Ông nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận những tư liệu gốc giúp chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về những quy hoạch này, từ đó loại bỏ những ngộ nhận không đáng có về lịch sử kiến trúc Hà Nội.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cũng nhận định, sự tham gia của người dân địa phương trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa và cảnh quan đô thị của Thủ đô là rất quan trọng và cần phát huy trong thời đại ngày nay.

Khai thác tư liệu lịch sử để sáng tạo nghệ thuật

Buổi tọa đàm còn bàn luận về việc đặt tên đường tại Hà Nội, thông qua câu chuyện về việc đặt tên đại thi hào Nguyễn Du đã từng gắn với ba con phố và cuối cùng với những ý kiến cho rằng địa vị văn chương trong văn học Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du nên được đặt ở một con phố hay đại lộ xứng tầm. Điều này phản ánh sự cẩn trọng trong việc tôn vinh các nhân vật lịch sử, sao cho phù hợp với tầm vóc văn hóa của Thủ đô.

Một thí dụ khác là việc đặt tên đường Trịnh Văn Bô tại quận Nam Từ Liêm vào năm 2018. Trước đó, có đề xuất đặt tên ông tại quận Cầu Giấy, nhưng không được sự đồng thuận của người dân do nhiều người chưa biết rõ về nhà tư sản Trịnh Văn Bô.

Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay ảnh 2

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn phát biểu tại toạ đàm.

Qua đó, nhà phê bình Mai Anh Tuấn kết luận rằng, việc đặt tên đường không chỉ dựa trên tầm nhìn văn hóa, mà còn phải cân nhắc ý kiến của cộng đồng dân cư.

Các diễn giả nhất trí rằng, những tư liệu lịch sử về Hà Nội dù không thể khai thác rõ về cảm nhận của người dân với các công trình đô thị hoá, tuy nhiên, những tư liệu đó sẽ là chất liệu phong phú để phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật như: văn chương, điện ảnh, sân khấu.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn bày tỏ mong muốn các nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục khai thác những tư liệu này để tái hiện câu chuyện lịch sử đô thị Hà Nội một cách sáng tạo và hấp dẫn, qua đó giúp người dân và du khách hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.