Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III, do Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Đông Bắc (NEFU) mang tên M.K.Ammosov tổ chức.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo. |
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh, tiếng Nga sẽ tiếp tục là phương tiện quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam, những người muốn tiếp cận những kiến thức, cũng như các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến của Nga.
Tăng cường quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga
Đánh giá cao việc phối hợp tổ chức hội thảo, Phó Hiệu trưởng Thường trực khẳng định, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu chính là góp phần quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giúp tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Gửi lời chào và chúc mừng tới Hội thảo qua video, ông Alimov A.S., Vụ trưởng Vụ Hợp tác nhân đạo đa phương và Quan hệ văn hóa, Bộ Ngoại giao Nga, cho biết, Bộ Ngoại giao Nga luôn ủng hộ các sáng kiến phổ biến tiếng Nga ra nước ngoài. Phía Nga đang thực hiện các công việc có hệ thống nhằm tạo ra một khuôn khổ thể chế để củng cố vị thế của tiếng Nga trên toàn thế giới.
Ông cho biết, trong bối cảnh thực tế địa chính trị hiện nay, công việc của các giáo viên dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ ở nước ngoài có tầm quan trọng đặc biệt. Mỗi người thầy giáo, cô giáo tiếng Nga đều là một “Đại sứ tiếng Nga” tại đất nước của mình.
Chia sẻ về việc phổ biến tiếng Nga ở Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội hữu nghị Việt Nga, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương, cho biết, trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, việc phối hợp với các đối tác Nga ở Việt Nam để phổ biến tiếng Nga ở Việt Nam, cũng như tiếng Việt tại Nga là một phương hướng quan trọng.
Ông bày tỏ hy vọng, những báo cáo khoa học, những thảo luận, trao đổi tại Hội thảo sẽ mở ra nhiều hướng mới trong việc áp dụng các phương pháp, công nghệ hiện đại, trong đó có trí tuệ nhân tạo, vào giảng dạy tiếng Nga để đạt được kết quả cao hơn nữa.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục
Một trong những hoạt động quan trọng của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục với nhiều nước.
Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ trực tiếp với nhiều cơ sở giáo dục của Liên bang Nga và đã ký được một số thỏa thuận song phương.
Năm 2022, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Đông Bắc đã ký một thỏa thuận, kết quả thực tiễn quan trọng của thỏa thuận này là việc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III.
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp chia sẻ thêm về việc mở Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng như mong muốn sẽ có một Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Đông Bắc, nhằm góp phần quảng bá văn hoá Nga tại Việt Nam và Văn hoá Việt Nam tại Nga.
Ông khẳng định, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ tiếp tục đặc biệt quan tâm đến việc giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, coi đây là đóng góp to lớn nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo khu vực một cách thường xuyên cho thấy mức độ tương tác khoa học và giáo dục quốc tế ngày càng cao, Vụ trưởng Vụ Hợp tác nhân đạo đa phương và Quan hệ văn hóa Alimov A.S khẳng định, Nga luôn sẵn sàng đối thoại sâu rộng về hợp tác nhân đạo quốc tế, trong đó có phổ biến tiếng Nga ra nước ngoài.
Chia sẻ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Bang Nga, giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Murashkin V.V cho biết, sự phát triển hợp tác khoa học và giáo dục giữa Nga và Việt Nam được thực hiện chủ yếu theo hai hướng: đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong các trường đại học của Liên bang Nga và phát triển quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.
Ông tin tưởng, các vấn đề được nêu trong hội thảo sẽ vạch ra những triển vọng nghiên cứu khoa học rộng lớn trong việc giải quyết các vấn đề đang nảy sinh.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Bang Nga, giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin phát biểu. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những vấn đề cấp bách trong việc giảng dạy tiếng Nga, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, và tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học cũng được đề cập đến.
Diễn ra từ ngày 25-27/11, hội thảo khoa học quốc tế “tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, tạo cơ hội thảo luận sâu rộng, mở ra những cơ hội hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa hai nước, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nga trong không gian khoa học và giáo dục hiện đại.
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, cùng đại diện nhiều trường đại học và chuyên gia từ Nga, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Uzbekistan…