Tiếng cười đả kích thói phù phiếm, học đòi

"Ả cave nhà hàng Maxim" được lấy từ nguyên tác "La Dame de chez Maxim", một kiệt tác hài kịch của nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp Georges Feydeau, vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và công diễn. Vở diễn từng được dàn dựng và mang lại những thành công vang dội ở sân khấu nhiều nước, đả kích sâu cay thói phù phiếm, học đòi thông qua tiếng cười hài hước.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở "Ả cave nhà hàng Maxim" của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh NH)
Một cảnh trong vở "Ả cave nhà hàng Maxim" của Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh NH)

Với một loạt vở hài kịch về giới thượng lưu quý tộc ở Paris thế kỷ 19, Georges Feydeau đã phơi bày cuộc sống phù phiếm, ăn chơi, hưởng lạc sa đọa, sự phân hóa và những mặt trái của xã hội đương thời khi đó. Không cao giọng rao giảng hay cao siêu trong tư tưởng, Feydeau thông qua câu chuyện của những con người đại diện cho tầng lớp được gọi là tinh hoa xã hội, từ những đối lập của đạo đức và nhân cách, của trí tuệ và kiến thức, để lật tẩy, chỉ trích những thói xấu, hám tiền, hống hách, ưa hư danh, vỗ vào mặt họ tiếng cười chua cay, sâu sắc.

Các tác phẩm của Feydeau thấm đẫm thực tế của một xã hội tư bản với những mảng tối phía sau, được soi chiếu từ những con người ở tận cùng đáy xã hội, châm biếm, giễu cợt và phản ánh bộ mặt thật của giới thượng lưu mà ông đã có nhiều năm thâm nhập, từ đó viết nên các chuyện kịch lôi cuốn, sống động, trở thành những kiệt tác của sân khấu thế giới.

Tiếng cười đả kích thói phù phiếm, học đòi ảnh 1

Điệu nhảy Cancan được khai thác trong vở diễn.

So với nguyên tác của kịch bản và vở Ả cave nhà hàng Maxim từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng cách đây 20 năm, vở diễn lần này của đạo diễn-Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải có phần cô đọng, ngắn gọn hơn, song vẫn chuyển tải đầy đủ nội dung, tư tưởng chủ đề với sự hài hước, hóm hỉnh cần có và lời thoại được Việt hóa, gần gũi với khán giả hôm nay. Đạo diễn chú trọng từ hình thức đến những chi tiết, hành động kịch biểu trưng, thúc đẩy cao trào trong các tình huống kịch để khắc họa tính cách nhân vật qua những nhầm lẫn hài hước.

Câu chuyện được dẫn dắt từ một đêm rượu trác táng ở nhà hàng Maxim, bác sĩ Petypon đã đưa ả gái nhảy đàng điếm Crevette về nhà và tiếp tục gây nên những ngộ nhận, hiểu nhầm thành phu nhân của mình với chú anh ta là ngài Đại tướng Petypon và họ hàng, bạn bè khi về quê tham dự lễ cưới của con gái ông.

Những hiểu nhầm trào lộng cứ thế móc nối với nhau một cách tự nhiên, hấp dẫn người xem, qua đó dần hiển hiện dụng ý lột tả bộ mặt tầng lớp quý tộc của nông thôn nước Pháp ngu dốt, ưa học đòi, coi Crevette với những lời nói và hành vi, điệu nhảy thô tục nơi quán rượu, nhưng lại đến từ Paris, trở thành hình mẫu và thần tượng để họ học hỏi. Việc dối trá, che đậy vụng về cùng mối quan hệ dằng dịt trong tình yêu, trong hôn nhân của gia đình Petypon đã tạo ra nhiều tình huống bi hài, là điều kiện để ả gái nhảy tha hồ tung tảy, bịt mắt cả một xã hội thượng lưu ngu muội và rỗng tuếch, đang sôi sục học đòi những điều nhảm nhí.

Đạo diễn-Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đã khai thác tối đa tính hài trong từng tình huống, tổ chức các lớp kịch chặt chẽ, trang phục lộng lẫy kết hợp sự lôi cuốn của âm nhạc và vũ đạo Pháp. Điệu nhảy Cancan từng phổ biến ở các quán rượu Paris với động tác lắc hông, tung váy, đá chân cao của các vũ nữ được sử dụng vừa đúng chừng mực, tạo hiệu ứng vui nhộn, hài hước, đồng thời cho thấy rõ nét bản chất nhân vật.

Bên cạnh đó, nhiều câu thoại tiếng lóng, cách nói lái, chơi chữ đầy ẩn ý kiểu Pháp đã được chuyển thể theo kiểu dân gian Việt Nam đầy dí dỏm. Thậm chí cả lối nói quý tộc kiểu cách, nịnh đầm cũng được Việt hóa thành dạng thơ "Bút tre" gây cười nghiêng ngả cho khán giả.

Tiếng cười đả kích thói phù phiếm, học đòi ảnh 2
Đạo diễn-NSND Tuấn Hải (hàng đứng, thứ năm, từ trái qua) và các nghệ sĩ tham gia vở diễn.

Để có được sự thành công của vở kịch phải kể đến diễn xuất của dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhân vật trung tâm của vở diễn Crevette do nữ diễn viên Mai Duyên vào vai đã khắc họa rõ nét chân dung của ả gái nhảy đàng điếm thành Paris, vừa mang vẻ quyến rũ, gợi cảm chuyên nghiệp, dạn dày của dân làng chơi, vừa có nét hồn nhiên, quyết liệt trong tình yêu và có lúc sỗ sàng, thô tục đấy, nhưng cũng có lúc khá kiểu cách, quý phái, mềm mỏng khi cần.

Trong khi đó, Hồng Phúc và Duy Nam đã thể hiện được những nét tính cách dễ thay đổi của nhân vật bác sĩ Petypon luôn tìm mọi cách dối trá để che nhẹm việc làm khuất tất, chơi bời và Đại tướng Petypon có vẻ ngoài đường bệ, uy nghiêm, mặt sắt, song thực ra dễ bị lừa và không kém phần háo sắc.

Là vở diễn đầu tiên của chương trình nghệ thuật "Xuân 24" đón năm mới Giáp Thìn, vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim sẽ mở màn cho hàng loạt vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam trong năm nay.

Nối tiếp là chương trình "Điểm hẹn 8/3" với các đêm diễn hai vở hài kịch kinh điển khác của sân khấu thế giới và Việt Nam là Quan Thanh tra Nghêu sò ốc hến. Những tiếng cười sảng khoái và cả ý nghĩa gửi gắm sâu sắc trong đó là món quà đầu năm mà Nhà hát Kịch Việt Nam hy vọng được công chúng đón nhận nồng nhiệt.