Chương trình: Tùy nghi giảng dạy
Năm học 2004, chương trình tiếng Anh tiểu học được Bộ GD-ĐT chính thức quy định bắt đầu từ lớp 3, mỗi tuần 2 tiết cho các trường học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đều có cách riêng.
Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình tiếng Anh tiểu học được "biến tấu" triển khai từ lớp 1 chứ không phải lớp 3. Sau khi triển khai được bốn năm, Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cho phép Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm chương trình theo cách của mình.
Theo TS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT), đây là cách "phá lệ" trong khuôn khổ cho phép. Chương trình do Bộ đưa ra bắt buộc mọi người không được dưới chuẩn. Tuy nhiên, chiến lược có đưa ra những điểm mở cho phép một số nơi có thể đi quá nhịp độ dạy ngoại ngữ nếu địa phương đó có đủ điều kiện.
Định hướng cơ bản về dạy học tiếng Anh tiểu học: Tổng thời lượng chương trình tiếng Anh tiểu học từ lớp 3 - lớp 5 là 210 tiết (70 tiết/lớp/năm). Trong ba năm học, học sinh phải học và sử dụng khoảng 500- 600 đơn vị từ vựng tối thiểu. Theo quan điểm dạy học mới, một chương trình có thể có nhiều bộ SGK. Các cá nhân và tập thể có thể tổ chức biên soạn SGK cho tiểu học theo chương trình chính thức của Bộ GD-ĐT. |
Còn ý kiến của TS Trịnh Quốc Thái (Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT), Bộ GD-ĐT cần hoạch định chiến lược cho chương trình giảng dạy ngoại ngữ - đặc biệt là cấp tiểu học. Chương trình tiếng Anh tiểu học có thể theo các lộ trình: Ba năm tự chọn, bắt đầu từ lớp 3. Bốn năm tự chọn, bắt dầu từ lớp 2. Ba năm bắt buộc, bắt đầu từ lớp 3, sau đó lớp 5 liên thông với Trung học.
SGK: Mỗi nơi một sách
Hiện có ba bộ sách đang được sử dụng trong các trường tiểu học: Sách do NXB Giáo dục phát hành, của Trung tâm Công nghệ GD và cuốn Let's Go của Anh. Tuy nhiên, tại các địa phương, tài liệu dành cho việc dạy học tiếng Anh cấp tiểu học đang mỗi nơi một phách.
Tại Hải Phòng, ngoài ba loại sách trên, còn có thêm SGK của NXB Hà Nội. Tại Thái Bình, tài liệu để giảng dạy là "Sách tiếng Anh cho học sinh tiểu học". Tại Thừa Thiên - Huế, tài liệu đưa vào giảng dạy gồm "Phương pháp MAT, TPR, FA, CA".
Các loại "Sách tiếng Anh thử nghiệm" cũng đang được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh... Nguyên nhân của việc thiếu thống nhất về tài liệu giảng dạy như trên là do Bộ dẫu đã có chương trình tiếng Anh tiểu học nhưng chưa ban hành SGK và các tài liệu dạy học khác nên các địa phương phải tự chọn tài liệu thích hợp.
Giáo viên: Chưa có chuẩn đào tạo
Phương pháp dạy học ở tiểu học dựa vào các quan điểm: Học sinh là chủ thể của quá trình dạy học, được tham gia luyện tập kỹ năng ngôn ngữ, tăng tối đa thời gian dạy và học trên lớp nhằm hình thành kỹ năng ngôn ngữ. |
GV dạy tiếng Anh tiểu học được lấy từ nhiều nguồn khác nhau: Trung tâm dạy ngoại ngữ, các trường cao đẳng hay đại học nên trình độ không đồng đều phương pháp dạy không thống nhất. Các giáo viên tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ không chuyên không được trang bị kiến thức nghiệp vụ sư phạm nên thiếu kỹ năng dạy cho học sinh tiểu học.
Điểm khó hiện nay không có giáo viên biên chế dạy tiếng Anh cấp tiểu học, mức lương theo thỏa thuận của phụ huynh nên ảnh hưởng đến số lượng học sinh theo học ngoại ngữ - đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Chưa có chuẩn đào tạo giáo viên tiểu học nên chất lượng giáo viên và chất lượng đào tạo của bộ môn tiếng Anh cấp học này là vấn đề nan giải.