Đến xã Tiến Xuân vào những dịp cuối tuần, người ta có thể nghe tiếng chiêng binh boong ngân vang khi các câu lạc bộ văn nghệ luyện tập cồng chiêng trong các nhà văn hóa - điều mà có quãng thời gian tưởng chừng như xa lạ. Tiếng chuông hòa vào mầu xanh của những nương lúa, nương ngô tạo nên một khung cảnh ấm no, yên bình. Tiến Xuân là xã miền núi của Thủ đô. Trong gần 8.000 đồng bào thì có đến 68,6% là người dân tộc Mường.
Nói đến đồng bào Mường, không thể không nói đến tiếng chiêng. Chiêng là nhạc khí linh thiêng, gắn với đời sống, từ những nghi lễ tâm linh quan trọng cho đến những dịp hội hè, những sinh hoạt văn hóa. Cũng có khoảng thời gian, nhất là thập niên 80-90 của thế kỷ 20, do đời sống kinh tế khó khăn, không nhiều người quan tâm gìn giữ tiếng chiêng nữa. Thậm chí, có gia đình đã bán cả bộ chiêng cổ.
Nhưng rồi, với sự quan tâm của chính quyền, ngành văn hóa, ý thức người dân đã dần dần thay đổi. Đồng bào dần hiểu ý nghĩa của những chiếc chiêng Mường. Đúng lúc ấy, phong trào xây dựng nông thôn mới về với bản làng. Cùng với thay đổi những tập quán làm ăn, bà con được hỗ trợ dựng nhà văn hóa, được hướng dẫn các biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Rất may, trong xã có những người yêu mến và tâm huyết với văn hóa truyền thống. Mặc dù xã hội có những biến đổi, họ vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp chiêng Mường. Điển hình trong đó phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Bùi Bích Thìn. Bà đã kỳ công “gom nhặt” những điệu chiêng Mường trong suốt nhiều năm trời. Năm 2014, khi Câu lạc bộ Cồng chiêng và dân ca xã Tiến Xuân ra đời, bà được bầu làm chủ nhiệm. Chính bà đã trực tiếp truyền dạy cồng chiêng cho những người yêu mến nghệ thuật truyền thống quê hương.
Song đó mới là điều kiện “cần”. Điều kiện “đủ” là Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã mua chiêng tặng cho các thôn. Tình yêu được khơi dậy, và lại có hạ tầng, có dụng cụ, có nhạc khí để luyện tập. Chiêng Mường trên vùng đất Tiến Xuân đã hồi sinh. Trước đây, xã Tiến Xuân có 18 thôn, sau khi sáp nhập, toàn xã còn bảy thôn. Mỗi thôn đều thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, với nghệ thuật đánh chiêng là “chủ lực”.
Hiện nay, toàn xã có tới gần 30 bộ chiêng. Các câu lạc bộ thường xuyên luyện tập vào dịp cuối tuần. Mới đây, để khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân tổ chức Hội thi “Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường xã Tiến Xuân”. Trong đó, tâm điểm của hội thi là trình diễn trang phục nữ dân tộc Mường và chương trình giao lưu văn nghệ, đồng diễn chiêng Mường của hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ.
Bên cạnh gìn giữ các bộ chiêng, học các bài chiêng, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân còn khuyến khích bà con dân tộc Mường sử dụng trang phục dân tộc. Đến nay, gần như 100% số cán bộ, hội viên đều có trang phục dân tộc. Trang phục truyền thống được chị em mặc trong những ngày kỷ niệm, ngày lễ, hội nghị, Tết, đám cưới...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ: “Hiện nay, trên cơ sở khôi phục chiêng Mường, các thôn còn thành lập một đội văn nghệ văn hóa du lịch cộng đồng, gồm những cá nhân trên địa bàn xã có năng khiếu về văn hóa văn nghệ để tập luyện các tiết mục chuyên về bản sắc dân tộc Mường, phục vụ các chương trình giao lưu văn nghệ tại các sự kiện trong và ngoài địa bàn. Chúng tôi đang đề xuất chính quyền các cấp hỗ trợ để Tiến Xuân có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với đặc sản là chiêng Mường” .