Duyên nợ với khoa học
Tiến sĩ Vũ Gia Hiền tên thật là Lê Quý Anh, sinh năm 1953 tại thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Bác ruột của ông là Đại tướng Lê Trọng Tấn - một danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Cha ruột của ông là Lê Quý Giả, một trong những đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta.
Năm 13 tuổi, Vũ Gia Hiền được đưa đi học Trường Thiếu sinh quân tại Quế Lâm -Trung Quốc. Đây là một lớp học đặc biệt dành cho con em của những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ.
Học xong Trường Thiếu sinh quân, ông được cử đi học tiếp về Máy Công trình ở một trường quân đội. Năm 1973, ông được biệt phái sang Lào, hoạt động ở Tổng đội 572. Đơn vị này có nhiệm vụ phối hợp cùng quân đội Lào xây dựng lực lượng quân sự và chiến đấu. Nhiệm vụ của ông lúc đó là nắm thông tin, đồng thời giúp nước bạn thiết kế máy móc.
Năm 1975, ông về nước và được cử đi học về Vật lý quang phổ. Những ngày tháng theo học Vật lý quang phổ, ông bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về nguồn gốc sự sống. Đó là cơ duyên đưa ông đến với khoa học. Sau này, những nghiên cứu đó được ông tiếp tục phát triển thành một đề tài khoa học có tên: "Tìm hiểu quá trình tiến hóa Vũ trụ và Sinh giới" in thành sách vào năm 2004.
"Giải mã" nguồn gốc sự sống
Năm 1988, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội với đề tài "Bản chất của sóng và hạt". Sau đó, ông được cử đến các nước vùng Trung Đông với nhiệm vụ là quản lý về hợp tác lao động, đồng thời nghiên cứu về Hồi giáo. Trong thời gian đó, ông có lần qua Mỹ, tìm đến Đại học Apollos - một đại học danh tiếng ở Mỹ - giới thiệu công trình nghiên cứu của mình. Công trình có tên: Nghiên cứu sự sống từ bức xạ nền. Công trình này đã được ông ấp ủ rất lâu, từ hồi ông học Vật lý quang phổ ở Việt Nam. Cho đến lúc đó, kể cả ở Mỹ, việc nghiên cứu sự sống trong vũ trụ từ bức xạ nền, tức với góc độ chuyên môn của Vật lý, vẫn còn là điều mới mẻ.
Theo tiến sĩ Hiền thì vào những năm 1960, các nhà khoa học Mỹ đã đặt thử một ra-đa để dò tìm sóng năng lượng, bởi họ đã phát hiện trên Trái đất đang xuất hiện một bước sóng có tần số ngắn. Vì vậy, ra-đa được đặt là để dò thử sóng đó phát ra từ đâu. Qua nhiều lần thử nghiệm, các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng: sóng đó do chính Trái đất phát ra. Như vậy có nghĩa là: tự bản thân Trái đất đã có một nguồn năng lượng sống. Và các nhà khoa học Mỹ bắt đầu lưu tâm nghiên cứu về nguồn năng lượng này trên Trái đất.
Nhưng cho đến thời điểm mà tiến sĩ Hiền đưa ra công trình nghiên cứu của mình với Đại học Apollos, người Mỹ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu hay một phát hiện nào đáng kể về nguồn năng lượng đó. Vì thế, công trình của tiến sĩ Hiền rất được hoan nghênh. Ông được mời giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công trình. Qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã có dịp báo cáo ở hai Hội đồng khoa học tại Đại học Apollos và tại Việt Nam đề tài: Tìm hiểu quá trình tiến hóa Vũ trụ và Sinh giới.
Tiến sĩ Hiền cho rằng sự sống bắt nguồn từ chính nguồn năng lượng của Trái đất. Chính trong quá trình hình thành vũ trụ, hình thành Trái đất, do nhiệt độ quá cao, ước chừng 30.000oC, Trái đất đã tự giải phóng ra oxy và hydro. Ở nhiệt độ đó, nhân hydro bị phá vỡ. Và muốn giữ lại cái nhân đó, buộc chúng phải phát ra một bước sóng để chống lại nhiệt độ cao. Đó chính là nguồn năng lượng ban đầu của Trái đất. Từ nguồn năng lượng ban đầu đó, qua nhiều lần biến đổi, tiến hóa, sự sống hình thành. Sơ khai nhất của sự sống trên Trái đất chính là tảo biển. Dần dần chúng biến hóa, tiến hóa và hình thành ra những sinh vật, động vật khác.
Để chứng minh sự sống được hình thành từ chính nguồn năng lượng của Vũ trụ và Trái đất, các nhà khoa học đã làm một thí nghiệm như sau: Họ đặt hai luồng điện trong một môi trường chân không và cho phóng hai luồng điện liên tục (hình thức tương tự như cơ chế hoạt động của bóng đèn huỳnh quang nhưng ở tần suất và cường độ cao gấp nhiều lần). Sau một thời gian kiểm tra, họ thấy rằng: các chất vô cơ đã được hình thành trong đó!
Tiến sĩ Hiền lập luận: "Điều này tương tự với những chuyển động ban đầu của Vũ trụ, của hệ hành tinh của chúng ta. Đó chính là sự va chạm giữa các hành tinh, các đám mây sinh ra các tia chớp, tia sấm sét... đánh xuống Trái đất, hình thành nên các chất vô cơ - nguồn gốc ban đầu của sự sống. Nhưng quá trình từ chất vô cơ biến thành các chất hữu cơ như thế nào thì các nhà khoa học, trong đó có tôi, chưa tìm ra.".
Chủ xướng, cổ vũ thuyết duy trì phát triển nông nghiệp
Trong quá trình nghiên cứu nguồn gốc sự sống, tiến sĩ Hiền phát hiện ra rằng chỉ có cây cối, chỉ có nền kinh tế nông nghiệp mới duy trì được lâu dài sự sống trên Trái đất. Minh chứng rõ ràng nhất hiện nay là hiệu ứng nhà kính, do tầng ozone bị thủng vì khói công nghiệp, khí carbonic, khiến Trái đất bị nóng dần lên. Băng ở Bắc cực và Nam cực hiện đang tan chảy mạnh khiến lượng nước biển nhiều lên. Nước biển dâng cao và dự báo trong lương lai nhiều vùng lãnh thổ trên Trái đất có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.
Một nguy cơ nữa khiến Trái đất bị diệt vong, theo tiến sĩ Hiền là nguy cơ sa mạc hóa do nền sản xuất công nghiệp hiện nay mang lại. Trong cuốn sách: "Triết học từ góc độ biện chứng duy vật", ông đã chỉ ra nguy cơ đó. Ông cho rằng: loài người đã hình thành ba nền sản xuất cơ bản là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, sản xuất công nghiệp luôn đối lập với sản xuất nông nghiệp. Bởi vì sản xuất nông nghiệp có bản chất dựa vào tự nhiên, không tách rời khỏi tự nhiên. Dù người ta có đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì cũng không thể làm cho cây lúa trong một tháng có thể thu hoạch được. Do đặc thù phải dựa vào tự nhiên nên nông nghiệp phát triển là qua quá trình cải tạo chất đất và không khí trên Trái đất kéo dài hàng triệu năm. Ngày nay, khi chúng ta đưa công nghiệp vào các vùng đất nông nghiệp tức là phá hủy sự thuần chất đất nông nghiệp, làm khô hóa đất và sa mạc hóa Trái đất.
Mặt khác với việc biến đổi gen hoặc biến thái sinh học... sẽ đi đến tự hủy diệt do mất khả năng tự điều chỉnh di truyền... Cùng với nó, sản xuất công nghiệp có bản chất phá hủy tự nhiên của vật chất, gây ra những thảm họa ô nhiễm... Từ đó, ông chủ xướng và cổ vũ cho thuyết duy trì và phát triển nền nông nghiệp.
Ông tâm sự: "Có một câu, không rõ do ai nói mà tôi cho như một câu sấm Trạng Trình là: "Ban đầu nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Tương lai rồi sẽ thuộc về nông nghiệp, những mặt hàng nông sản sẽ đắt giá. Ông bà ta nói: ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu, thế mà bây giờ hầu như người ta chỉ chú trọng đến ở, đến mặc, đến công nghiệp... mà quên đi nền nông nghiệp, quên đi người nông dân, lực lượng tạo ra cái ăn cho loài người...".
Thay lời kết
Ngoài việc nghiên cứu khoa học tự nhiên, ông Hiền còn say mê nghiên cứu triết học, văn hóa, nhất là triết học, văn hóa Việt. Theo ông, mặc dù triết học Việt Nam chưa hình thành hệ thống lý luận và phương pháp luận, nhưng nó đã tồn tại và hiện thực hóa trong đời sống xã hội Việt Nam. Có thể nói triết học Việt Nam là sự giao thoa dung hòa giữa các nền triết học phương Đông (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo) với nền triết học phương Tây (Ki tô giáo, triết học Mác). Chính vì thế, khi nghiên cứu cần phải có một phương pháp kết hợp hài hòa giữa phương Tây và phương Đông.
Ông nói thêm: "Khác với những dân tộc khác, người Việt luôn đề cao sự về nguồn. Điều đó được lưu giữ trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, một hình thức ẩn chứa minh triết của tổ tiên người Việt. Người Việt quan niệm: "Uống nước nhớ nguồn", hay "Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba", rồi "Công cha như núi Thái Sơn"... Chính nhờ những tư tưởng đó mà Việt Nam ta dù trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ vẫn không bị mất nước. Đó là sức mạnh văn hóa Việt của người Việt Nam".