Phóng viên: Những tưởng ông đã mệt mỏi vì vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều quanh các đề xuất của ông, nhưng dường như ông vẫn chưa nguôi nhiệt huyết. Ông lại đang lên tiếng mạnh mẽ chung quanh phiên tòa xử vụ taxi Vinasun kiện Grab?
TS Lương Hoài Nam: Ngay tại Việt Nam, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng phát biểu một ý mà tôi rất tâm đắc: “Cải cách mà không vấp phải phản đối là cải cách tồi”. Đúng thế! Hiếm có cuộc cải cách thực sự và đáng kể nào mà lại không đụng chạm đến lợi ích của ai đó. Những vấn đề cải tạo giao thông đô thị, cải cách giáo dục mà tôi lên tiếng cũng rất đụng chạm. Khi 80% người dân ở các đô thị lớn nước ta đang đi lại hằng ngày bằng xe máy mà tôi nói về một nền giao thông đô thị không xe máy, dù đó là bức tranh của 10-15 năm sau, thì một số người phản ứng với đề xuất của tôi là dễ hiểu. Các đề xuất cải cách giáo dục Việt Nam của tôi cũng vậy, chúng đặt ra những thách thức với lực lượng giáo viên, các cơ quan quản lý giáo dục và, ở mức độ nào đó, với cả phụ huynh học sinh. Mặc dù vậy, một số đề xuất của tôi về giao thông đô thị, cải cách giáo dục đã được các cơ quan quản lý cầu thị tiếp thu. Còn phiên tòa Vinasun kiện Grab là một vụ va chạm điển hình giữa hiện thực 2.0 và tương lai 4.0, rất phức tạp và tôi thấy mình nên trình bày quan điểm.
Phóng viên: Hội đồng xét xử vụ Vinasun kiện Grab đã tạm hoãn phiên tòa đến ngày 22-11. Đây là một trong những phiên xét xử dân sự thu hút đông đảo lượng người quan tâm, theo dõi. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun và buộc Grab phải bồi thường số tiền 41,2 tỷ đồng. Nếu đề nghị này được chấp nhận, sẽ tạo thành một án lệ gây phản ứng dây chuyền, tác động tiêu cực tới phong trào startup và 4.0 đang truyền cảm hứng rộng rãi, thưa ông?
TS Lương Hoài Nam: Tôi đánh giá cao quyết định tạm ngừng phiên tòa để các bên bổ sung chứng cứ, củng cố quan điểm trước khi tòa sơ thẩm tuyên án. Tôi cho rằng thẩm phán của phiên tòa đã nhận thấy vấn đề không phải đơn giản như ý kiến của Viện kiểm sát. Theo hình dung của tôi, vụ kiện này có khả năng sẽ không dừng lại ở tòa sơ thẩm, mà có thể đi tiếp lên tòa phúc thẩm, thậm chí là giám đốc thẩm. Chúng ta thử hình dung, điều gì sẽ xảy ra nếu kết cục của vụ kiện là Vinasun thắng, Grab thua, phải bồi thường tiền cho Vinasun? Chắc chắn không ít công ty taxi khác sẽ kiện và dễ dàng thắng Grab theo án lệ với Vinasun, vì tình trạng của họ và của Vinasun về bản chất là giống nhau. Ngoài ra, dịch vụ của Grab cũng sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước định danh là “taxi”, không còn là “xe hợp đồng điện tử” như theo Quyết định của Bộ GTVT số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016. Vừa bị bắt bồi thường tiền cho nhiều công ty taxi, lại vừa bị áp vào khung một dịch vụ vận tải không đúng với bản chất của Grab thì Grab không còn cửa để tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Uber, Grab sinh ra là để huy động các phương tiện không phải taxi cạnh tranh với taxi mà lại phải đội mào taxi thì thật trớ trêu! Chúng ta sẽ nghĩ gì nếu một ngày Grab rút khỏi Việt Nam trong khi vẫn hoạt động bình thường tại bảy quốc gia ASEAN khác, theo đúng mô hình kinh doanh của họ? Chính phủ vừa tổ chức cuộc gặp 100 trí thức người Việt trong lĩnh vực công nghệ ở nước ngoài, mong muốn họ và hàng nghìn, hàng chục nghìn người Việt khác làm công nghệ ở nước ngoài đóng góp phát triển Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Họ sẽ nhìn nhận như thế nào về vụ kiện Vinasun chống Grab và kết cục của nó? Một bạn của tôi đang đầu tư công nghệ “Hỏi - Đáp 4.0” (kiểu “Người hỏi - Máy trả lời” ở Thung lũng Silicon của Mỹ. Tôi hỏi: “Bạn nghĩ thế nào nếu một ngày bạn bị tổng đài 1080 kiện vì công nghệ của bạn cạnh tranh với họ?”. Bạn trả lời: “Tôi chưa có kế hoạch đưa công nghệ này về Việt Nam”. Ở nhiều nơi trên thế giới, các phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang lật đổ các phương thức kinh doanh truyền thống, trở thành xu thế thời đại với tên gọi “Công nghiệp 4.0”. Chúng ta muốn thế nào: tạo điều kiện cho những cái mới, hay bảo hộ những cái cũ?
Phóng viên: Hiện nay trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động với chỉ một cái app trong tay. Người Việt cũng dần quen với cuộc sống, buối sáng đẹp trời ngồi nhâm nhi café, cầm điện thoại thông minh, làm tất cả các thao tác: đặt vé máy bay, phòng khách sạn, thanh toán tiền điện, học phí, mua sắm quần áo, giày dép đến mớ rau, con cá cho bữa cơm trong ngày... Nhưng xem ra có những chính sách của chúng ta lại chưa tiếp cận được với xu thế mới? Theo ông đó là lỗi tư duy hay vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm?
TS Lương Hoài Nam: Tương lai, theo hình dung của tôi, là hầu hết các giao dịch hàng ngày của người dân được thực hiện trên điện thoại thông minh. Sản phẩm, dịch vụ ở trên đó. Tiền ở trên đó. Căn cước cá nhân ở trên đó. Kết nối với các cơ quan quản lý về các thủ tục hành chính, các dịch vụ công cũng ở trên đó... Nhiều công việc mà hiện nay con người đang làm sẽ được chuyển cho máy làm, vì máy có thể làm những công việc đó nhanh hơn, rẻ hơn, thậm chí chính xác hơn. Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức mạch lạc với câu hỏi: “Mục đích của quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình là gì?”. Là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, hay bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống? Nếu câu trả lời là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, các chính sách quản lý nhà nước sẽ mạch lạc, nhất quán. Còn nếu câu trả lời là bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống, các cơ quan quản lý sẽ rất lúng túng, các chính sách rất dễ bị lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối. Về phía doanh nghiệp, ở lĩnh vực nào công nghệ đang được đưa vào một cách mạnh mẽ, doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, tự thay đổi để thích ứng với xu thế công nghệ, hoặc dừng cuộc chơi đúng lúc. Không ai có thể thắng nổi xu thế...
Phóng viên: Tại sự kiện Smart IoT Vietnam 2018, tân Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu: “Cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống thì thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước theo, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển. Nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ”. Vậy các mô hình kinh doanh còn quá mới ở Việt Nam, nếu đặt giả thiết họ tận dụng được kẽ hở mà pháp luật chưa bao quát hết được, thì chúng ta phải làm gì, thưa ông?
TS Lương Hoài Nam: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Trên thực tế, thực tiễn đi trước luật pháp không phải bất bình thường, mà ngược lại, là hiện tượng phổ biến. Người ta chỉ làm luật để quản lý những gì đã có, đã thấy, đã hiểu. Khi loài người còn đang đi lại bằng xe bò, xe ngựa, không ai làm luật cho ô-tô là cái còn chưa có, chưa thấy, chưa biết. Chính vì vậy, để không cản trở những cái mới, cái tiến bộ sinh ra và đi vào cuộc sống, bên cạnh việc quản lý những thứ đã có, các nhà lập pháp còn xác lập nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì luật pháp không cấm, còn các cơ quan quản lý lại chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Khi đó, người dân, doanh nghiệp làm những việc luật pháp chưa quy định không còn bị coi là phạm luật, mà là đúng luật, đồng thời mọi hành vi can thiệp, cấm đoán của các cơ quan quản lý vào những việc đó bị coi là trái luật. Quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển là tư duy quản lý rất hiện đại, tiến bộ. Hồi tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, có câu nói đùa rất thâm thúy: “Nếu một ngày Bộ Kế hoạch quản lý nước biển thì các đại dương chắc sẽ hết sạch nước”. Không phải công việc quản lý nào cũng tạo ra giá trị, nhiều khi thị trường giải quyết vấn đề hay hơn, hiệu quả hơn.
Phóng viên: Theo ông có cách nào để các bộ ngành khi ban hành chính sách, đúng nghĩa là thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội chứ không kiểm soát, ngăn cản đà đi tới?
TS Lương Hoài Nam: Chính phủ ta đã xác định là Chính phủ kiến tạo phát triển thì mọi chính sách đều phải vì sự phát triển. Sự sụp đổ của mô hình kinh tế Liên Xô, nói cho cùng, là vì điều gì? Theo tôi, nguyên nhân chính là ở mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô - một mô hình “quản lý vị quản lý”, thay vì “quản lý vị phát triển”. Liên Xô không thiếu nhân tài, không thiếu tài nguyên. Nhưng Liên Xô thiếu một mô hình quản lý kinh tế hiệu quả, kích thích thay đổi, tạo động lực cho phát triển. Mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô khuyến khích sự bảo thủ, quan liêu, còn ngược lại ở phương tây, mô hình quản lý kinh tế của họ đơn giản: “Thay đổi, hay là chết”.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lương Hoài Nam!