VICEM Bút Sơn: Tiên phong đổi mới, sáng tạo
Công ty Cổ phần Xi-măng VICEM Bút Sơn - thành viên của Tổng công ty xi-măng Việt Nam trở thành doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và triển khai hiệu quả chương trình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành xây dựng Việt Nam.
Xi-măng Bút Sơn ra đời năm 1997, mang sứ mệnh trở thành doanh nghiệp tiêu biểu thời kỳ đổi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam cũng như tham gia phát triển ngành vật liệu xây dựng nước nhà.
VICEM Bút Sơn đang từng bước phát triển mạnh mẽ, xứng với kỳ vọng. Đặc biệt, chỉ trong vòng gần 4 năm qua, VICEM Bút Sơn đã phát triển lớn về quy mô và giá trị doanh nghiệp, “lĩnh ấn” tiên phong trên con đường đổi mới của Tổng công ty xi-măng Việt Nam cũng như của ngành xi-măng nước nhà.
Nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam - thủ phủ ngành xi-măng với nhiều nhà máy xi-măng có quy mô lớn - VICEM Bút Sơn luôn là doanh nghiệp dẫn đầu về uy tín chất lượng trên thị trường, đáp ứng xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh, cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 Hà Nội… Thương hiệu xi-măng VICEM Bút Sơn với nhãn hiệu quả địa cầu mang hàm ý chất lượng quốc tế có được, không chỉ đến từ dây chuyền công nghệ tiên tiến của Pháp và Nhật Bản, mà còn đến từ năng lực làm chủ và phát triển công nghệ của đội ngũ kỹ thuật và lãnh đạo Công ty.
VICEM Bút Sơn đã góp phần lớn lao trong thay đổi nhận thức của xã hội về ngành xi-măng Việt Nam bằng một góc nhìn mới, trong đó nhà máy xi-măng giảm tối đa việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo (than đá, đá vôi, đất sét…) thông qua việc sử dụng chất thải xã hội như bùn thải, tro xỉ nhiệt điện để thay thế nguyên liệu đất sét và đốt rác thải để làm nhiên liệu nung luyện thay cho than cám; dây chuyền xi-măng không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn trở thành nhân tố tích cực tham gia xử lý các vấn đề môi trường cho đất nước.
Hiện, VICEM Bút Sơn là nhà máy xi-măng có năng lực xử lý chất thải quy mô lớn nhất Việt Nam, với khối lượng xử lý rác thải công nghiệp thông thường hơn 8.000 tấn/tháng, xử lý rác thải nguy hại gần 1.500 tấn/tháng, xử lý bùn thải khoảng 4.500 tấn/tháng. Đặc biệt, nhờ tính ưu việt và mức độ làm chủ công nghệ của dây chuyền sản xuất xi-măng, các chất thải khi được đồng xử lý tại VICEM Bút Sơn đã tiêu hủy hoàn toàn các thành phần gây ô nhiễm môi trường trong điều kiện nung luyện nhiệt độ cao 1.200-2.000oC, chất thải đốt cháy đã tạo thành nhiệt thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thành nguyên liệu xi-măng nên vừa góp phần giảm chi phí mua nguyên nhiên liệu cho Công ty, vừa xử lý rất hiệu quả đa dạng các nguồn chất thải xã hội như rác thải nhựa, chất thải nguy hại, bùn thải công nghiệp, bùn nạo vét sông hồ đô thị, rác thải sinh hoạt…
Chương trình này là điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kép cả về kinh tế-xã hội và môi trường. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, VICEM Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng cho Công ty.
Khát vọng đổi mới công nghệ sản xuất xi-măng được thắp sáng trong những năm qua. Hành trình để tạo nên một ngành xi-măng sản xuất xanh và bền vững cần bước đột phá mạnh mẽ. Là doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty xi-măng Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ là “đầu tàu” dẫn dắt ngành xi-măng Việt Nam trở thành động lực chính trong sự phát triển công nghệ xi-măng của thế giới. Với những thành công thời gian qua, VICEM Bút Sơn đã thắp sáng “ngọn đuốc” cho con đường đổi mới, góp phần mở ra hướng đi mới trong ngành.
VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao: Đổi mới, sáng tạo để vươn lên
Trong khí thế mạnh mẽ, bên cạnh những đơn vị dẫn đầu như VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch thì hai doanh nghiệp “trẻ” của Tổng công ty xi-măng là VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao cũng tích cực triển khai và đạt được hiệu quả cao, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên.
Trước đây, VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao là hai đơn vị sản xuất kinh doanh xi-măng được chuyển về VICEM từ các doanh nghiệp khác. Tại thời điểm chuyển giao, cả hai công ty đều trong tình trạng làm ăn thua lỗ, số lỗ lũy kế quá lớn, gần như mất hết vốn, dòng tiền thu về không đủ để trả nợ nguồn vốn vay đầu tư xây dựng, “bên bờ vực” phá sản, thương hiệu còn yếu, kinh nghiệm sản xuất và quản trị còn chưa nhiều. Ngay khi tiếp nhận hai đơn vị, VICEM phải tái cơ cấu toàn diện từ kỹ thuật, điều hành sản xuất, thị trường, đến giải quyết các vấn đề tài chính.
Tái cấu trúc thành công đã làm hồi sinh VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao. Tiếp bước theo, việc đổi mới sáng tạo trong sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực mạnh mẽ để hai doanh nghiệp thành viên mới của VICEM vươn lên mạnh mẽ, góp thêm sức mạnh phát triển ngành công nghiệp xi-măng Việt Nam.