Tiền Giang: Sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng

NDO - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến đất liền và gây sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng về phạm vi, mức độ nguy hiểm, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân; một số nơi đã vượt quá khả năng xử lí của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Sạt lở tại tuyến kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Sạt lở tại tuyến kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Chính vì vậy, tỉnh Tiền Giang tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng để khắc phục những đoạn sạt lở nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng

Cù lao Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy được bao bọc bởi 4 bề sông nước. Chính vì vậy, vùng đất ven sông đã chịu tác động trực tiếp bởi dòng nước chảy, sóng của tàu thuyền qua lại nên sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, người dân xã Tân Phong sống trong tình trạng bất an bởi tốc độ sạt lở diễn ra nhanh, khoảng 30 hộ dân sống dọc theo đê bao sông Tiền phải dời nhà, dời đê bao vườn nhiều lần trước sự sạt lở đất.

Ông Nguyễn Văn Bảo, ấp Tân Thiện có đất thường xuyên bị sạt lở cho biết, để bảo vệ nhà, bảo vệ đất, mỗi năm, hộ dân bị ảnh hưởng đã bỏ ra hàng chục triệu đồng gia cố đê bao hoặc di dời đê bao sâu vào đất liền.

Tuy nhiên, do đê bao của người dân tự đắp bằng đất nên không thể nào ngăn chặn được triều cường xâm nhập và sạt lở. Cầm cự được một thời gian ngắn, đê lại bị sạt lở, rồi lại dời đê... Cứ như thế, cuộc sống người dân không thể nào ổn định được, vừa mất thu nhập, vừa gây tâm lý bất an.

Theo Ủy ban nhân dân xã Tân Phong, từ tháng 4/2022 đến nay, cù lao Tân Phong liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và thiệt hại tài sản của người dân, có nơi sạt lở trên 1,3km, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của hơn 1.234 hộ dân, với 4.936 nhân khẩu, trong đó có 53 hộ nằm sát bờ sông.

Từ tháng 4/2022 đến nay, cù lao Tân Phong liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và thiệt hại tài sản của người dân, có nơi sạt lở trên 1,3km, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của hơn 1.234 hộ dân, với 4.936 nhân khẩu, trong đó có 53 hộ nằm sát bờ sông.

Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo nằm trên rạch Kỳ Hôn nối với kênh Chợ Gạo. Đây là tuyến kênh vận tải huyết mạch từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Đoạn sông này có khoảng 1.500 phương tiện thủy, trọng tải từ 200-1.000 tấn qua lại ngày, đêm, tạo nên những cơn sóng mạnh đánh thẳng vào bờ. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây sạt lở bờ đê của địa phương này.

Ông Đào Công Ánh, ấp Tân Hòa cho biết, gia đình ông có 3.500m2 đất vườn dọc theo đê bao Vàm Kỳ Hôn. Mỗi năm, đất của ông bị sạt lở từ 20-25m2. Mặc dù, ông cùng mọi người trong gia đình dùng mọi cách để gia cố nhưng sạt lở vẫn diễn ra. Hiện, khu đất ông chỉ còn chưa đến 3.000m2.

Để ứng phó với sạt lở, Nhà nước đầu tư kinh phí khá lớn xây dựng đê bao này kết hợp với đường giao thông, song vẫn không thể nào ngăn chặn được sạt lở tấn công. Theo Ủy ban nhân dân xã Xuân Đông, giai đoạn 2015 - 2022, Vàm Kỳ Hôn đã sạt lở khoảng 0,3ha đất, đặc biệt là đoạn đường giao thông nông thôn phải di dời vào sâu bên trong nhiều lần. Ước tính mỗi năm, đường đê phải lấn sâu vào bên trong hơn 1m do sạt lở.

Phải xây dựng kè kiên cố

Tiền Giang: Sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng ảnh 1

Một điểm sạt lở trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trước việc sạt lở ngày càng nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và các bộ, ngành Trung ương đã đầu tư công trình chống sạt lở tại các đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 của cù lao Tân Phong, với tổng chiều dài xử lý hơn 1,7km để góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Bước đầu, công trình đã phát huy được hiệu quả tích cực, tình trạng sạt lở ở vị trí trọng điểm đầu cù lao đã được cải thiện, hạ tầng khang trang, tạo vẻ mỹ quan. Mới đây, lãnh đạo xã Tân Phong kiến nghị tỉnh, Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kè ở các đoạn sạt lở còn lại, khép kín toàn tuyến để nhân dân an tâm và tạo thuận lợi cho địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội lâu dài.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, khu vực cù lao Tân Phong phát triển vườn cây ăn trái kết hợp nuôi trồng thủy sản và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái.

Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này thì trước hết dải đất ven sông này không còn tình trạng sạt lở, người dân an tâm đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng đời sống. Do đó, việc xây dựng công trình kè kiên cố khép kín toàn tuyến là hết sức cần thiết và cấp bách để bảo vệ bờ sông khỏi bị sạt lở, bảo đảm an toàn cho người, cơ sở hạ tầng, nhà cửa bên trong, góp phần tổ chức lại dân cư trên cù lao giàu tiềm năng du lịch này.

Kinh tế chính của người dân xã Xuân Đông là trồng trọt và chăn nuôi. Song, vùng đất nơi đây lại thường xuyên bị triều cường tấn công gây ra các điểm sạt lở. Trước tình hình này, hơn 100 hộ dân thuộc ấp Tân Hòa mong mỏi Nhà nước đầu tư tuyến kè kiên cố dài khoảng 530m để bảo vệ bờ đê.

Trước tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng như thế này, đặc biệt là vào mùa mưa bão, chính quyền xã Xuân Đông và chính người dân đã nỗ lực rất nhiều trong ứng phó với sạt lở như: trồng cây chắn sóng, gia cố đê bao... nhưng sạt lở vẫn diễn ra.

Theo Ủy ban nhân dân xã Xuân Đông, đoạn kè mà chính quyền và người dân Xuân Đông đề xuất xây dựng nằm ở khu vực ngã ba sông. Nơi đây có chế độ dòng chảy rất phức tạp, thường tạo ra các hố xói, gây sạt lở rất cao. Cùng với đó, các tàu có tải trọng lớn, với lưu lượng dày đặc và hoạt động liên tục đã gây xói lở mặt, uy hiếp trực tiếp bờ kênh, đe dọa an toàn đường giao thông nông thôn và khu dân cư. Vì vậy, địa phương đề nghị tỉnh và Trung ương khẩn cấp thi công đoạn kè phòng, chống xói lở tại khu vực này để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Để công tác xử lý sạt lở đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đang dự thảo công văn đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 8 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng.

Đó là dự án xói lở bờ biển Gò Công - Đoạn 3, huyện Gò Công Đông; dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 5), huyện Cai Lậy; dự án xử lý sạt lở cù lao Tân Long (đoạn 7), thành phố Mỹ Tho; dự án xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu Vàm Kỳ Hôn), xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo; dự án xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh thuộc huyện Cái Bè (giai đoạn 2); dự án xử lý sạt lở kênh 28 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (đoạn 4); dự án xử lý sạt lở sông Tiền tại cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho và dự án xử lý sạt lở kênh Nguyễn Văn Tiếp tại khu vực chợ Thiên Hộ thuộc huyện Cái Bè.