Sau gần 20 năm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, thành phố Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 19 dự án và đang triển khai 14 dự án, tương đương hơn 1% tổng số chung cư cũ. Riêng trong giai đoạn 2014-2021, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành, thì không có dự án mới nào được thực hiện.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cho các địa phương, Chính phủ ban hành Nghị định số 69. Ngay sau đó, thành phố Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ về việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn thành phố trong giai đoạn tới.
Theo kế hoạch, Hà Nội tổ chức tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ, phấn đấu hoàn thành công tác này trước quý IV/2023; đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022… Nguồn vốn ngân sách được bố trí dự kiến là khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Tại kỳ họp giữa năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, trong đó phấn đấu đến năm 2030 triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ, gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và bốn khu có nhà nguy hiểm cấp D, gồm các khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất tạm cấp ngân sách, được trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách thành phố Hà Nội năm 2022, với số tiền gần 128 tỷ đồng để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ năm 2022.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện một số bước theo quy định của Nghị định số 69, nhưng theo nhận định của Bộ Xây dựng, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, nhất là việc thành phố chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ và lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đưa vào kế hoạch thực hiện của địa phương, làm cơ sở để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ban hành hệ số K bồi thường tại các khu vực, vị trí có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để người dân biết khi tham gia lựa chọn chủ đầu tư dự án; các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án, làm cơ sở cho các nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69.