Tiến công giải phóng Trị Thiên-Huế

NDO - Cuối tháng 1/1975, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên và Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định chọn hướng tiến công chủ yếu là tây nam Huế (khu vực đường 14b) dọc tả hữu sông Truồi ra đường số 1, là hướng bất ngờ đối với địch, nhằm có thể nhanh chóng chiếm đường số 1, chia cắt Huế - Ðà Nẵng, hình thành thế bao vây, cô lập hoàn toàn khu vực phía bắc vùng 1 chiến thuật của địch.

Phương thức hoạt động quân sự và kế hoạch tác chiến chiến dịch (thay đổi hướng tiến công trọng yếu từ tây bắc sang tây nam Thừa Thiên - Huế) trong mùa xuân năm 1975 của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 được Thường trực Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua đầu tháng 2/1975. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng chủ lực và địa phương trên chiến trường Trị Thiên, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy T.Ư quyết định thành lập Ðảng ủy Mặt trận chỉ huy chiến dịch gồm một số đồng chí trong Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy Trị Thiên và Thường vụ Ðảng ủy Quân đoàn 2. Ðồng chí Lê Tự Ðồng, Bí thư Khu ủy, được cử giữ chức Bí thư Ðảng ủy Mặt trận.

Về quân sự (dự kiến quá trình tổng tiến công chiến lược năm 1975 trên chiến trường toàn miền và từng khu vực sẽ phát triển nhảy vọt), Thường trực Quân ủy T.Ư quy định Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu sẽ trực tiếp chỉ đạo quân khu và quân đoàn thực hiện tác chiến, chiến dịch. Ðồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh cũng chỉ thị cho quân khu, quân đoàn hết sức chủ động thời gian chuẩn bị chiến trường và hiệp đồng tác chiến. Bộ nhấn mạnh: mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch phải xong trước ngày 4-3-1975, không một lý do gì được chậm trễ.

Theo kế hoạch của Bộ, từ ngày 5/3/1975, các lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu Trị Thiên đã đồng loạt tiến công và nổi dậy khắp vùng đồng bằng, thị tứ, cả những nơi hậu cứ quan trọng của Mỹ - ngụy. Ðịch dự kiến có cuộc tiến công này và đã có kế hoạch đánh trả, nhưng về quy mô không gian, thời gian thì hoàn toàn bị bất ngờ.

Do đó, từ ngày 7 đến 15/3, trong lúc Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 1 ngụy ở Huế đang bị động đối phó với phong trào nổi dậy của quần chúng lan tỏa rất nhanh, thì bộ đội Quân khu Trị Thiên trên hướng thứ yếu chiến dịch, tiến công địch dọc trục đường 12, vây ép mạnh nhiều vị trí chiến thuật ở tây Huế. Ðặc biệt, từ ngày 16 đến 23/3, bộ đội chủ lực Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh làm Chính ủy, trên hướng chủ yếu chiến dịch (sau một thời gian ghìm giữ địch ở các vị trí chiến thuật tây nam Huế đã hỗ trợ cho nhân dân đồng bằng nổi dậy) đã đồng loạt tiến công vào Núi Bông, Núi Nghệ, Mỏ Tầu, đến các điểm cao 520, đồi Yên Ngựa, dãy Kim Sắc, chiếm được một đoạn đường dài gần 20 km, cắt đứt đường bộ duy nhất về Ðà Nẵng.

Trong hơn nửa tháng tiến công vào hướng nam Thừa Thiên - Huế, bằng nghệ thuật quân sự điêu luyện về chọn hướng và tạo thế bất ngờ, ta đã từng bước điều khiển địch từ phía tây sang phía đông, từ phía nam lên phía bắc để cuối cùng tập trung đòn đột kích mạnh vào nơi hiểm yếu của địch, chiếm giữ các điểm then chốt, tạo thế chia cắt chiến dịch, làm cho địch hoàn toàn lâm vào thế bị động.

Nhạy bén trước thời cơ lớn của đòn tiến công chiến lược xuất hiện, Bộ Tổng Tư lệnh cùng lúc chỉ đạo nhiều chiến trường trọng điểm (trong đó có chiến trường Trị Thiên) đồng loạt tiến công giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển Quân khu 5. Nắm chắc tình hình diễn biến trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên đều nhận định quân địch không còn tinh thần chốt giữ Trị Thiên và sẽ rút chạy theo đường biển nên đã thống nhất chủ trương cho các trận địa pháo cơ giới di chuyển trận địa lên phía trước bắn phá cửa biển Thuận An, cửa Tư Hiền và một số mục tiêu ven biển lân cận, kiên quyết bịt chặt các cửa biển này.

Ðêm 24/3, trên hướng chính diện thành phố Huế, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) nhanh chóng đánh chiếm Phú Bài, mở đường cho quân đoàn và lực lượng vũ trang địa phương tiến vào giải phóng Huế. Ðịch bị đánh bất ngờ, hoảng sợ tháo chạy tán loạn, bỏ lại toàn bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy.

Ðược chiến thắng Phú Bài, Hương Thủy (phía nam), Phong Ðiền, Hương Trà (phía bắc thành phố Huế) cổ vũ, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ và nhân dân địa phương giúp thêm phương tiện (xe lam, xe tải) vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Ðúng 13 giờ ngày 25/3/1975, cờ chiến thắng tung bay trên Phu Văn Lâu. Một bộ phận của Trung đoàn 3 cùng xe tăng 14 giờ cùng ngày đã chiếm lĩnh sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá và giải phóng hơn 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ. Ở hướng bắc, các lực lượng vũ trang của Quân khu Trị Thiên cũng tràn vào đánh phá các mục tiêu trong thành phố. Ở hướng đông, quân ta làm chủ hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền, bắt sống hàng chục nghìn tên địch. 16 giờ chiều 25/3/1975, cờ giải phóng đã tung bay khắp thành phố Huế.

Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5/3 đến ngày 26/3/1975) là kết quả tất yếu của nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ, tận dụng thời cơ, là chủ trương nhạy bén, sáng tạo, kịp thời của các cấp chỉ huy chiến dịch và chiến lược. Trong đó đặc biệt chú trọng nghệ thuật nắm bắt thời cơ, nhạy bén táo bạo chuyển hướng từ kế hoạch cơ bản ban đầu (cuối năm 1974) sang kế hoạch thời cơ chuyển mục tiêu tiến công chiến dịch sang hướng trọng yếu mang tính chiến lược, để khi chiến dịch Tây Nguyên (hướng tiến công chiến lược chính của ta) giành thắng lợi đã tập trung lực lượng tổng lực của Bộ và quân khu tiến lên giải phóng Trị Thiên - Huế. Ðồng thời, chiến thắng to lớn trọn vẹn đó không chỉ giảm thương vong cho bộ đội và nhân dân, giữ được thành phố và các huyện lỵ không bị tàn phá, mà còn tạo niềm tin tưởng phấn khởi cho quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi quyết định. Ðây là đặc điểm nổi bật và là một bước phát triển mới hết sức sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch, chiến lược trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.