Khoảng 20 giờ ngày 16-3 vừa qua, một vụ cháy lớn đã bất ngờ xảy ra tại xưởng thu gom phế liệu làng Triều Khúc. Do đám cháy xảy ra ở khu vực cánh đồng, gần con đường mới mở, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (CSPCCC) có mặt kịp thời, cho nên sau hơn một giờ, ngọn lửa được khống chế, không lây lan sang khu vực chung quanh.
Trước đó, ngày 4-3, tại xưởng sản xuất đồ da, nhựa trong làng cũng xảy ra vụ cháy lớn. Khoảng 9 giờ 30 phút, khi phát hiện khói bốc lên từ khu vực xưởng sản xuất, người dân đã tiến hành dập lửa, nhưng do trong xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy, ngọn lửa đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều hàng quán chung quanh. Lực lượng CSPCCC đã huy động nhiều phương tiện chữa cháy và hàng chục chiến sĩ đến hiện trường dập lửa, sau gần một giờ đám cháy mới được dập tắt.
Cách đây không lâu, vào ngày 26-6-2017, một kho chứa nhựa phế liệu rộng hơn 200 m2 tại địa bàn này cũng bị bốc cháy. Cột khói đen xì bốc cao hàng chục mét. Lực lượng CSPCCC chuyên nghiệp đã mất hơn một giờ vất vả dập lửa, mới khống chế được đám cháy, không để lây lan sang các kho chứa hàng bên cạnh...
Cả ba vụ cháy trên đều xảy ra tại các xưởng tập kết, sản xuất phế liệu, với rất nhiều chất dễ cháy, cho nên gây ra nhiều khó khăn trong việc dập lửa. Rất may, các vụ cháy được phát hiện, thông báo kịp thời tới lực lượng CSPCCC chuyên nghiệp và được khống chế nhanh chóng, tuy không thiệt hại về người, nhưng đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Các vụ cháy khiến người dân sinh sống trong khu vực rất lo lắng, bất an. Anh Nguyễn Văn Long, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, đang thuê phòng trọ tại làng Triều Khúc cho biết, trực tiếp chứng kiến hai vụ cháy lớn xảy ra gần đây, anh rất lo lắng vì khu nhà trọ nằm cạnh xưởng tập kết nhựa và sản xuất lông vũ. Tuy nhiên chủ các xưởng sản xuất ít quan tâm đến công tác phòng, chống cháy nổ, khi các đường dây cáp điện cũ nát vẫn chạy lằng nhằng, nguyên vật liệu, phế liệu thu mua về tập kết bừa bãi khắp nơi, xếp chồng chất gần bảng điện. Phương tiện chữa cháy không được trang bị đầy đủ, không có lối thoát hiểm. Nếu xảy ra cháy thì ngọn lửa rất dễ lây lan sang khu nhà trọ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Triều Khúc, xã Tân Triều là địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Trong thời gian gần đây, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Nhiều tuyến đường mới, khu dự án được xây dựng, nhà cao tầng mọc lên san sát. Trong khi đó, việc tạo nghề mới, chuyển đổi nghề cho người dân còn chậm trễ.
Với mục đích giải quyết địa điểm sản xuất cho người dân, chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư, từ gần mười năm trước UBND huyện Thanh Trì đã thành lập cụm sản xuất làng nghề tập trung. Tuy nhiên, chỉ một số hộ sản xuất, kinh doanh lớn mới có điều kiện kinh tế đấu thầu để chuyển ra cụm sản xuất tập trung, còn lại vẫn sản xuất, kinh doanh trong làng. Mọi khu đất trống, từ khoảng sân vườn nhỏ trước nhà, vỉa hè, đường đi, đến khu vực nghĩa trang, đất nông nghiệp đều được che chắn tạm bợ, tận dụng làm địa điểm tập kết nguyên vật liệu, xưởng sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Theo đại diện UBND xã Tân Triều, trên địa bàn xã hiện có khoảng 70 hộ dân đang theo nghề thu gom, sản xuất, kinh doanh phế liệu. Đây phần lớn là những hộ sản xuất nhỏ, phát triển tự phát theo quy mô gia đình, sản xuất thủ công truyền thống cho nên ý thức phòng, chống cháy nổ còn hạn chế. Chính quyền xã thường xuyên phối hợp với Đội CSPCCC số 7 kiểm tra, tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề chấp hành các quy định phòng, chống cháy nổ, tổ chức tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, nhưng người dân vẫn thờ ơ hoặc chấp hành các quy định mang tính chất đối phó.
Các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra tại làng nghề Triều Khúc trong thời gian gần đây là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhưng với tâm lý chủ quan của người dân như hiện nay thì nguy cơ cháy nổ rất lớn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì thế, UBND huyện Thanh Trì cần chỉ đạo UBND xã Tân Triều tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhất là đối với diện tích đất nông nghiệp, các khu đất trống để tránh tình trạng người dân dựng lều lán, nhà xưởng sản xuất, tập kết nguyên vật liệu trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân. Thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới, khuyến khích người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Phối hợp lực lượng CSPCCC thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, cháy chữa cháy, xử lý nghiêm các vi phạm.