Tích tụ đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao ở Thanh Hóa

Tích tụ, tập trung đất đai hiện là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để Thanh Hóa sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn mấy năm gần đây dần định hình khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có quy mô 4,4ha, trong đó có 2ha chuyên canh dưa vàng, dưa chuột baby, lan hồ điệp trong nhà màng.

Hợp tác xã dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến thuê đất công, tiếp nhận chuyển nhượng đất của nông hộ liền kề, tạo quỹ đất tập trung để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản hàng hóa, công nghệ cao, cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha/năm. Được cấp ủy, chính quyền huyện bạn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền cơ sở, gần đây hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Hồng Đức xây dựng, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chủ lực là dưa vàng trồng trong nhà kính, nhà lưới có quy mô hơn 3ha canh tác ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương.

Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, Phó Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 cho hay: Doanh nghiệp tiệm cận các chính sách tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ, kết hợp trồng nấm, sản xuất thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ nên tổng doanh thu đạt hơn 13 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng và 40 lao động thời vụ.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc tích tụ, tập trung đất đai đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU "về thực hiện cuộc vận động đổi điền, dồn thửa trong toàn tỉnh".

Bình quân mỗi hộ sở hữu 10 thửa đất, giảm xuống còn 3 thửa/hộ vào năm 2017, có nơi chỉ còn 1 thửa/hộ; diện tích bình quân một thửa tăng từ 330m2 lên 1.000m2 và toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được hơn 10 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, tích tụ, tập trung đất đai mới đạt kết quả bước đầu.

Đầu năm 2019, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tích tụ đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao ở Thanh Hóa ảnh 1

Khách hàng chọn mua sản phẩm chăn nuôi an toàn ở Thanh Hóa.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung 16.240ha đất nông nghiệp tổ chức thâm canh các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành vùng tập trung, mở rộng, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với chế biến, tiêu thụ.

Ngoài vùng nguyên liệu mía, sắn, cây gai xanh..., gắn với các nhà máy chế biến đang hoạt động, trên địa bàn tỉnh hiện có chuỗi liên kết sản xuất gắn với 7 nhà máy chế biến gạo, hơn 20 doanh nghiệp chế biến rau, củ, quả, 3 chuỗi liên kết trồng cây ăn quả, bao tiêu sản phẩm; có 115 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên.

Toàn tỉnh cũng đã tích tụ tập trung 13.152ha đất lâm nghiệp, trồng các loại giống mới có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chuyển xuống giống bằng hạt sang giống nuôi cấy mô, dần thay thế các loại giống cho năng suất, chất lượng thấp; phục tráng rừng luồng, chuyển rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng hỗn giao.

Thanh Hóa có 22.000ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Vùng sản xuất lâm nghiệp gắn với 58 nhà máy chế biến tre, luồng, 178 nhà máy chế biến gỗ. Giá trị thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/chu kỳ vào năm 2019, tăng lên 87 triệu đồng/ha/chu kỳ năm 2022; có 12 sản phẩm thuộc lĩnh vực lâm nghiệp được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên.

Ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Thanh Hóa ghi nhận: Tích tụ, tập trung đất đai khắc phục sở hữu ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thuận lợi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, giá trị thu nhập bình quân tăng 1,2 lần, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị thu nhập gấp 3-4 lần trên cùng ha canh tác. Riêng chuỗi liên kết sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần, lúa thương phẩm ở nhiều địa phương vùng trọng điểm lúa tăng giá trị, hiệu quả từ 1,2 đến 1,5 lần so sản xuất thông thường.