Tích hợp dữ liệu quốc gia phục vụ tốt hơn các chính sách an sinh xã hội

Chuyển đổi số đã được ứng dụng sâu rộng vào các chế độ, chính sách của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tối ưu lợi ích, thuận lợi hơn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách và an sinh xã hội nói chung. Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục qua Cổng thông tin điện tử tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức.
Người dân làm thủ tục qua Cổng thông tin điện tử tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức.

Tích hợp dữ liệu số, giảm mạnh thủ tục

Hai năm nay, bà Trần Thị Trúc, ngụ Phường 8, Quận 5 đến Bệnh viện Nguyễn Trãi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế chỉ cần mang theo mỗi căn cước công dân. Chưa đầy 10 phút, nhân viên y tế sử dụng máy quét mã căn cước công dân gắn chíp và hoàn tất thủ tục để bà Trúc được khám chữa bệnh nhanh chóng và tiện lợi. Bà Trúc cho hay, so với trước đây thời gian chờ đợi làm thủ tục giảm bớt 2-3 giờ đồng hồ, vì tất cả dữ liệu (thông tin cá nhân, thông tin thẻ bảo hiểm y tế) đã được cập nhật vào căn cước công dân, người bệnh cũng không phải cầm theo thẻ bảo hiểm y tế như trước đây. Do đó, việc sử dụng căn cước công dân khi khám chữa bệnh vừa rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, vừa giúp các thao tác của nhân viên y tế và người dân diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng cho biết, bệnh viện đã trang bị các máy quét dữ liệu, qua đó giúp quy trình kiểm tra thông tin thẻ bảo hiểm y tế của người dân thuận tiện, nhanh chóng và minh bạch. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố, hiện nay thành phố đã đồng bộ căn cước công dân gắn chíp với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân là 7.642.281 thẻ. Đồng thời số lượng cơ sở khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh là 188 cơ sở (đạt 100%) và số lượt công dân sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh là hơn 13,4 triệu lượt người.

Bảo hiểm xã hội thành phố cũng đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng, mang lại sự thuận tiện cho người dân. Ông Nguyễn Đăng Thành, ngụ Khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức cho biết: “Từ tháng 4 đến nay, khi nhân viên Bảo hiểm xã hội tuyên truyền lợi ích của việc nhận lương qua tài khoản ngân hàng, tôi đã làm thẻ và nhận lương qua tài khoản ngân hàng. Ban đầu chưa quen nhưng dần dần thấy gọn và nhanh, lại có chỗ “cất” tiền an toàn cho nên tôi và vợ đều thấy thích hơn so với ra phường ký nhận tiền mặt”. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 260.000 người đang hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó có khoảng 77,12% số người hưởng đăng ký nhận các chế độ qua tài khoản ngân hàng.

Kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với ngành bảo hiểm xã hội để góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Chuyển đổi số giúp ngành bảo hiểm xã hội tận dụng các công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng phục vụ. Các lĩnh vực hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội nói chung và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đều được số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả xử lý nghiệp vụ, tối ưu năng suất làm việc của nhân viên, tiết kiệm, cắt giảm được nhiều chi phí bộ máy.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà cho biết: Bảo hiểm xã hội thành phố là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến đầu tháng 10, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ định danh cá nhân/căn cước công dân của 7.916.785 trên tổng số 8.173.630 người tham gia, đạt 96,86%. Đây tiền đề quan trọng để chuẩn hóa dữ liệu phục vụ việc quản lý, cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục giấy tờ.

Cũng theo ông Hà, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là một trong sáu Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đây là tiêu chí quan trọng khi thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

Việc ngành bảo hiểm xã hội và ngành công an kết nối xác thực và chia sẻ thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề quan trọng cho việc sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho số sổ bảo hiểm xã hội, mã thẻ bảo hiểm y tế trong tương lai. Người dân được quyền trích xuất thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để quản lý, theo dõi quá trình tham gia chính sách. Hiện nay, người tham gia có thể xem thông tin của mình trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý 17.990 hồ sơ Đăng ký khai sinh-Đăng ký thường trú-Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp nhận và xử lý 23 hồ sơ Đăng ký khai tử-Xóa đăng ký thường trú-Trợ cấp mai táng, Hỗ trợ chi phí mai táng trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, thông qua giao dịch trực tuyến, người dân, doanh nghiệp không cần phải trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội, nhờ đó tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại và còn có thể chủ động theo dõi quá trình, kết quả giải quyết hồ sơ, bảo đảm công khai, minh bạch.