Tích cực triển khai sắp xếp đơn vị hành chính ở quận Thanh Khê

Việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp quận và sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn quận Thanh Khê nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, lâu dài của quận trong thời gian tới với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, văn hoá thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng.
Phường Hòa Khê tổ chức hội nghị lấy ý kiến phương án tên gọi của phường sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.
Phường Hòa Khê tổ chức hội nghị lấy ý kiến phương án tên gọi của phường sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Việc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 1,03 km2, quy mô dân số là 15.220 người của phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu để nhập vào phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính phường trên địa bàn quận theo hướng tinh gọn về bộ, tăng quy mô về diện tích, dân số góp phần tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải trong khi nhu cầu sử dụng còn hạn chế; thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa. Cùng với đó, tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức.

Sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính việc quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội là hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm; phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trật tự xã hội; trật tự an toàn giao thông; trật tự đô thị; trật tự công cộng; phòng cháy chữa cháy bước đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định. Nhưng về lâu dài, sau khi ổn định bộ máy tổ chức, với sự quan tâm đầu tư tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở của lực lượng vũ trang và đặc biệt với địa bàn liên cư, liên địa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong khu vực phòng thủ quận.

Giai đoạn 2023-2025, Quận Thanh Khê có 8 phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính: nhập 2 phường Thanh Khê Đông, Hòa Khê thành phường Thanh Khê Đông, nhập 2 phường Tam Thuận và Xuân Hà thành phường Xuân Hà, nhập 2 phường Thạc Gián và Vĩnh Trung thành phường Thạc Gián, nhập 2 phường Tân Chính và Chính Gián thành phường Chính Gián. Sau khi sắp xếp, quận Thanh Khê có 6 phường. Việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các phường trước khi nhập để đặt tên cho phường mới hình thành sau khi sắp xếp hạn chế được một số lượng đáng kể người dân, đơn vị, tổ chức phải điều chỉnh giấy tờ trong thực hiện các giao dịch liên quan khi phải đặt tên một địa danh hoàn toàn mới khi sáp nhập.

Thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp các phường thuộc quận ngoài yếu tố liên cư, liên địa thì yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống là tiêu chí quan trọng để quận cân nhắc trong sáp nhập và đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả các phường sáp nhập đều có nguồn gốc lịch sử là các đơn vị hành chính chung, chia tách trong quá trình phát triển của quận, dân cư có những đặc điểm chung về truyền thống, văn hóa.

Việc chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền phường trong thời gian đầu sau sáp nhập sẽ có nhiều khó khăn do quy mô diện tích lớn hơn và số dân đông hơn, nhất là đối với những nhiệm vụ phức tạp như quản lý về đất đai. Việc quản lý ở chính quyền cơ sở đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức hiểu rõ, nắm bắt được tình hình cụ thể từng địa bàn dân cư. Sau khi sáp nhập, cán bộ, công chức phường cần thời gian để nắm bắt, tìm hiểu để thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương, nỗ lực đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sáp nhập đơn vị hành chính giúp mở rộng không gian phát triển, do đó đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ công, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ nhân dân tốt hơn; yêu cầu cán bộ, công chức phải tự nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc để giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công được hiệu quả.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ, giấy tờ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn bị ảnh hưởng, bước đầu khi thay đổi sẽ tốn thời gian, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi thông tin trên hồ sơ, giấy tờ của công dân, tổ chức tại các đơn vị thực hiện việc sắp xếp. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ phận, ban ngành của quận sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ban đầu của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo dư luận, đồng thuận của toàn dân, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như qua trang thông tin điện tử, trang zalo chính quyền điện tử của quận, phường, các cuộc họp, hội nghị, họp tổ dân phố... góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉ lệ cử tri đồng thuận, nhất trí sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn quận đạt rất cao. Quận cũng đã xây dựng lộ trình, giải pháp sau sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách của phường dôi dư do sắp xếp; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công…