Từ các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm khắc, nhất là những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, cấp ủy cần rút ra bài học là phải sớm phát hiện những hành vi tiêu cực, biểu hiện suy thoái trong đội ngũ đảng viên để ngăn chặn kịp thời, không để tồn tại kéo dài, tích tụ thành khuyết điểm, vi phạm lớn.
Để làm được điều đó, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, đồng thời phải tích cực đấu tranh với "bệnh ngại phê bình" (biết đồng chí của mình có khuyết điểm nhưng nể nang không nói).
Một tập thể sẽ mất sức chiến đấu khi công tác tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm, không đúng thực chất ý nghĩa của nó. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có những nơi, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác tự phê bình và phê bình, tổ chức thực hiện công tác này còn mang tính hình thức, đồng thời đối với bản thân cũng chưa tự giác kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của mình.
Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, đồng thời phải tích cực đấu tranh với "bệnh ngại phê bình" (biết đồng chí của mình có khuyết điểm nhưng nể nang không nói).
Chính vì lẽ đó mà ở nhiều nơi còn diễn ra hiện tượng phổ biến là cán bộ, đảng viên cấp dưới nói chung ngại phê bình, xuê xoa với khuyết điểm của cấp trên; trong sinh hoạt chi bộ thì ngại nói thật hoặc chỉ nói chung chung, không đi vào vấn đề cụ thể. Hiện tượng nêu trên ấy đã làm cho việc phê bình không còn đúng thực chất, mất đi ý nghĩa. Những biểu hiện vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên vì thế dễ bị bỏ qua hoặc được bao che cho đến khi trở thành sai phạm lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Vì vậy, để công tác tự phê bình và phê bình bảo đảm đúng thực chất, có hiệu quả, góp phần quản lý tốt đảng viên, giữ gìn sức chiến đấu của tổ chức đảng, chúng ta cần tích cực đấu tranh với "bệnh ngại phê bình".
Cần phải chỉ rõ nguyên nhân vì sao cán bộ, đảng viên ngại phê bình, ngại góp ý với đồng chí, đồng nghiệp, "mũ ni che tai" cho lành, nhất là đối với cấp trên; vì sao nhiều người chọn phương án "im lặng là vàng" hoặc phê bình theo kiểu xuôi chiều "không ảnh hưởng đến ai"… để có giải pháp đấu tranh hiệu quả.
Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng. Cán bộ, đảng viên nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã xác định nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý".
Gần đây nhất, Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW) được Bộ Chính trị ban hành ngày 9/5/2024, trong mục 4, Điều 3 nêu rõ: "Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh". Đó là những định hướng để chúng ta tăng cường đấu tranh chống "bệnh ngại phê bình". Phê bình thẳng thắn là giải pháp hiệu quả phòng ngừa những nguy cơ mắc khuyết điểm cho mỗi cá nhân, tổ chức đảng, đồng thời tạo sức mạnh cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.