Thụy Sĩ hoàn thành dự án đường sắt qua dãy Alps, rút ngắn kết nối châu Âu

NDO -

Từ tháng 12 năm nay, việc đi lại giữa Thụy Sĩ và châu Âu sẽ nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn khi đường hầm đường sắt Ceneri được đưa vào sử dụng chính thức. Đây là đoạn cuối cùng trong tuyến đường sắt trực tiếp nối Bắc Âu với Địa Trung Hải qua các tuyến đường bên trong lòng dãy Alps.

Tổng thống Thụy Sĩ phát biểu tại lễ thông hầm đường sắt Ceneri (Ảnh: swissinfo.ch)
Tổng thống Thụy Sĩ phát biểu tại lễ thông hầm đường sắt Ceneri (Ảnh: swissinfo.ch)

Ngày 4-9 vừa qua, Thụy Sĩ đã khánh thành hầm đường sắt Ceneri chạy trong lòng núi Monte Ceneri, bang Ticino sau 10 năm thi công. Hiện mới chỉ có các tàu chở hàng được phép hoạt động. Tàu chở khách sẽ hoạt động từ tháng 12 năm nay. 

Đường hầm Ceneri dài 15,4 km, trị giá 3,6 tỷ franc Thụy Sĩ, đánh dấu việc hoàn thành dự án Liên kết đường sắt mới qua dãy núi Alps (NRLA). NRLA là dự án thế kỷ của Thụy Sĩ, có giá trị 22,8 tỷ franc Thụy Sĩ (25,04 tỷ USD).

Đường hầm Ceneri có năng lực vận tải đáp ứng 170 chuyến tàu hàng và 180 chuyến tàu chở khách mỗi ngày.

Vào tháng 12 năm nay, đường hầm này giúp việc đi lại bắc-nam nhanh hơn cho bang Ticino, vốn là vùng đất văn hóa hấp dẫn du khách của Thụy Sĩ. 

Thụy Sĩ hoàn thành dự án đường sắt qua dãy Alps, rút ngắn kết nối châu Âu -0
Hồ Lugano, bang Ticino là điểm hấp dẫn du khách (Ảnh: Planetware) 

Cụ thể, thời gian đi lại giữa đô thị cổ kính Bellinzona và Lugano sẽ giảm từ 27 phút xuống còn 19 phút. Thậm chí từ Lugano (phía nam) lên Locarno (phía bắc) sẽ chỉ mất 29 phút so với 50 phút hiện nay. 

Cùng với Đường hầm Gotthard dài 57,1 km, đường hầm đường sắt dài nhất thế giới mở cửa vào năm 2016 và đường hầm Loetschberg dài 34,6 km, đường hầm Ceneri đã giúp hoàn thiện một hệ thống vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn từ Rotterdam (Hà Lan) tới Genoa (Italy) trong lòng dãy Alps mà không gặp trở ngại kỹ thuật nào.

Đường hầm này cũng sẽ tác động đáng kể đến giao thông quốc tế. Từ năm sau, du khách và hàng hóa sẽ có thể đi từ Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Italy) bằng đường sắt trong vòng chưa đầy 3 tiếng rưỡi. Khi các dự án khác hoàn thành, bao gồm cả ở phía Italy, thời gian này sẽ giảm xuống còn ba giờ - nhanh hơn 40 phút so với hiện tại.

Không chỉ giúp rút ngắn về mặt thời gian đi lại, đường hầm này được kỳ vọng góp phần giảm khí thải CO2, bảo vệ môi trường của dãy Alps với việc hàng hóa được vận chuyển theo hình thức đường sắt thay vì đường bộ như hiện nay. 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga nói rằng, đường hầm Ceneri mang lại lợi ích về môi trường là rõ ràng, nhưng không chỉ đối với môi trường của dãy Alps. 

"Đó là một lợi thế cạnh tranh của Thụy Sĩ và một chính sách vận tải bền vững”, Tổng thống Thụy Sĩ nhấn mạnh.

Theo Văn phòng Giao thông Liên bang Thụy Sĩ, năm ngoái, có khoảng 900.000 chuyến hành trình bằng xe tải qua dãy Alps. Do đó, Thụy Sĩ đặt mục tiêu giảm số lượng xe tải băng qua dãy Alps xuống còn 650.000 xe mỗi năm, cắt giảm lượng khí thải CO2 hằng ngày xuống 890 tấn.