Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

NDO - Chiều 19/8, tại trụ sở Bộ Công thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị được kết nối với 62 điểm cầu phụ trách 176 thị trường trên thế giới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Phát biểu ý kiến mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch Covid-19; cuộc xung đột Nga-Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá dầu thô và các hàng hóa, vật tư chiến lược tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đối tác kinh tế lớn; vấn đề thách thức an ninh lương thực…

Một số nước rơi vào khủng hoảng. Nhiều nền kinh tế sa vào giảm phát, suy thoái; một số nước thay đổi chính sách… Những điều này đều ảnh hưởng nước ta bởi quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; độ mở của nền kinh tế rất lớn; sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn.

Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong các thành tích nổi bật chung đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành công thương trong đó có hệ thống các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vẫn khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng GDP, bảo đảm các cân đối lớn; chuỗi cung ứng lao động hồi phục nhanh; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; làm tốt công tác đối ngoại…

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực này của ngành công thương, của hệ thống các Thương vụ Việt Nam. Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị này, các đại biểu cần đóng góp ý kiến với tinh thần cầu thị, trao đổi phân tích, đánh giá thẳng thắn về các chính sách bên ngoài, đề xuất, kiến nghị; dự báo tình hình, nêu những tác động như thế nào đối với nền kinh tế và đề ra các giải pháp để hóa giải các khó khăn, thách thức này.

Thủ tướng lưu ý, hiện nay, thị trường lớn của chúng ta đang dần bị thu hẹp lại do tác động của thế giới, nhiều nước lớn khó khăn, lạm phát, sức tiêu thụ giảm đi. Hội nghị này cũng nhằm tham khảo ý kiến để chúng ta “thoát hiểm” như thế nào; nêu khó khăn hiện nay là gì? Chính phủ phải giải quyết những vấn đề gì? Chính phủ chia sẻ những khó khăn của ngành công thương, của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; yêu cầu phải nỗ lực hơn nữa để mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đem về cho đất nước nhiều ngoại tệ hơn. Vấn đề quan trọng là chúng ta mở rộng thị trường, khắc phục những thị trường đang bị thu hẹp.

Thủ tướng khẳng định, đất nước ta vẫn phải phát triển, đi lên, không chịu “bó tay” lúc này. Một trong những công cụ mà Đảng, Nhà nước đang trông chờ chính là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức, làm tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè, đối tác tốt, tin cậy, là thành viên có trách nhiệm, tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống hào hùng của dân tộc, lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ảnh 2

Tại các điểm cầu.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Khu vực châu Á-châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai). Khu vực châu Âu-châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Về hoạt động chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế-thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.

Các Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.

Các Thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều Thương vụ đã chủ trì và phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại-đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng, qua hội nghị này, nhận thức về công tác thương vụ sẽ được nâng lên một bước, tạo chuyển biến tích cực, mang lại "của cải, vật chất" cho đất nước, nhân dân. Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của các Thương vụ Việt Nam; nêu rõ, thời gian tới, chúng ta thúc đẩy mở rộng các thị trường mới, củng cố nâng cao hiệu quả các thị trường truyền thống; tiếp tục đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập hiện nay; tăng cường cường quảng bá sản phẩm; sản xuất xanh, cải cách thương vụ hợp lý, phù hợp; thúc đẩy đại diện thương mại hợp lý, hiệu quả; nghiên cứu mở đường bay, kết nối doanh nghiệp. Thương vụ Việt Nam cũng tích cực kết nối doanh nghiệp hiệu quả hơn, cách tiếp cận hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao dịch sản phẩm và các dịch vụ khác như lao động, du lịch; tổ chức xúc tiến thương mại hiệu quả hơn.

Thủ tướng yêu cầu các Thương vụ Việt Nam phát huy hiệu quả vai trò tiền tuyến trực tiếp tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, đề xuất tham mưu cho Chính phủ các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế; đề xuất các giải pháp vừa có tính chất trước mắt, vừa lâu dài.

Nghiên cứu và nắm vững luật phát, phong tục tập quán sở tại, ứng phó hiệu quả các sự cố thương mại; tăng cường nghiên cứu, nắm vững yêu cầu, thị hiếu thị trường, từ đó tham mưu, chủ động phòng ngừa, khuyến cáo, khuyến nghị các doanh nghiệp kịp thời; điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh kịp thời để tận dụng các FTA kịp thời. Phát huy tối đa khả năng, lựa chọn các mặt hàng chủ lực; các cơ quan đại diện thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy đa dạng hoá các thị trường, bù đắp những thị trường bị hao hụt.

Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn phức tạp, càng đoàn kết, mở rộng sang Đông Âu, Nam Mỹ, Nam Á; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng; mở rộng việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Tìm kiếm, phát hiện, đa dạng nguồn cung, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài. Tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Chính phủ chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời đưa ra khuyến cáo, giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản xuất, mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục củng cố, phát triển thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, là đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…); đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, công nghệ quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu trên phạm vi toàn cầu, rủi ro gián đoạn sản xuất là rất cao. Do vậy, nhiệm vụ của các Thương vụ là phải tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ động nghiên cứu đề xuất vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, cảnh báo sớm, sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Đây là chủ đề nóng và thách thức đối với Việt Nam nhưng lại là chủ đề hấp dẫn với các đối tác phát triển. Để góp phần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, các Thương vụ cần tích cực tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

Xây dựng, phát triển hệ thống Thương vụ Việt Nam đồng bộ, chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công việc. Các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ. Thủ tướng cũng mong các cơ quan thương vụ, ngoại giao đoàn kết, thống nhất, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung; đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn nữa; tất cả vì lợi ích của đất nước, vì nhân dân.

Trong 7 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu song xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 433,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,9%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt.

Về thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thị trường châu Á-châu Phi đạt 289,4 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2021; khu vực châu Âu đạt 44 tỷ USD, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2021…